Ngày 26/5/2014, Tòa án nhân dân huyện H mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Văn B phạm tội “Buôn bán hàng cấm”. Phần thủ tục phiên tòa, thẩm phán giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo theo quy định tại Điều 50 Bộ luật tố tụng hình sự. Sau khi được giải thích, bị cáo B đề nghị hoãn phiên tòa để mời luật sư bào chữa nhưng chủ tọa phiên tòa không chấp nhận với lý do trong quá trình điều tra, truy tố và giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo đã được giải thích quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa nhưng bị cáo đã không mời luật sư mà tự bào chữa cho bản thân.
Để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo theo quy định tại Điều 50 BLTTHS, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để cho bị cáo thực hiện quyền được mời người bào chữa nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận mà vẫn tiếp tục tiến hành xét xử vụ án.
Trong trường hợp này, Kiểm sát viên xử lý tình huống trên như thế nào?
Quan điểm thứ nhất: Kiểm sát viên vẫn công bố cáo trạng và thực hiện việc luận tội đối với bị cáo tại phiên tòa. Để đảm bảo quyền của bị cáo được quy định tại Điều 11 và điểm e Khoản 2 Điều 50 BLTTHS thì cần báo cáo lãnh đạo xem xét kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Quan điểm thứ hai: Kiểm sát viên không công bố cáo trạng và không thực hiện việc luận tội đối với bị cáo.
Quan điểm thứ ba: Kiểm sát viên chỉ công bố cáo trạng nhưng khi thực hiện việc luận tội thì tiếp tục đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để bị cáo thực hiện quyền bào chữa.
Theo tôi Kiểm sát viên xử lý tình huống trên theo quan điểm thứ nhất: Vì Điều 11 BLTTHS quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Kim Oanh-VKS huyện Tân Yên