.

Thứ hai, 06/05/2024 -01:45 AM

Trao đổi vướng mắc trong giải quyết vụ án Tranh chấp di sản thừa kế

 | 

Việc xác định di sản thừa kế trong đó có di sản thừa kế quyền sử dụng đất trong các vụ án "Tranh chấp di sản thừa kế" không hề dễ dàng. Chúng tôi xin nêu lên vướng mắc trong việc giải quyết vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế ” thực tế xảy ra tại địa phương để các đồng nghiệp trao đổi. Nội dung vụ án như sau:

Do không có con chung nên vào năm 1944 vợ chồng cụ Vũ Duy P, Thân Thị Q đã xin bà Thân Thị M lúc đó mới 3 tháng tuổi về làm con nuôi. Năm 1948, cụ P lấy cụ Thân Thị L làm vợ hai về ở cùng nhà. Sau đó, cụ P và cụ L sinh được bẩy người con gồm: Anh A, anh B, chị C, chị D, chị Đ, chị G và chị K. Cụ P mất năm 1989.

Đầu năm 1960, cụ Q ra công tác tại trạm y tế xã và ăn ngủ tại đó. Cùng trong năm 1960 bà M lấy chồng. Năm 1979 cụ Q được UBND xã cấp cho một mảnh đất cạnh trạm y tế xã sát mặt đường tỉnh lộ 295B để làm nhà ở. Năm 1980 chị C kết hôn cùng anh T rồi cùng anh T ra ở chung với cụ Q (anh T và chị C sinh được ba người con). Theo chị C khai: Năm 1990 cụ Q nói cho vợ chồng chị đất ở, năm 1994 cụ Q đã ủy quyền cho chị C đổi một phần đất của gia đình cho ông M để lấy đất ở tại thửa đất số 675. Năm 1998, chính quyền thông báo các hộ gia đình đi làm kê khai để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, cụ Q có bảo chị kê khai. Sau đó được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ chị C được quyền sử dụng 210m2 đất gồm thửa số 383 diện tích 108m2 và thửa số 675 diện tích 102m2.

Năm 2003, do có mâu thuẫn với vợ chồng chị C, nên cụ Q làm di chúc cho anh K (con trai anh A) một phần hai đất ở. Vợ chồng anh K đã làm nhà trên thửa đất số 675 diện tích 102m2 và đón cụ Q đến ở chung. Cụ Q mất ngày 06/02/2004.

Năm 2005, chị C khởi kiện đòi vợ chồng anh K đất ở. Bản án sơ thẩm xử buộc vợ chồng anh K phải trả hộ gia đình bà C thửa đất số 675 diện tích 102m2. Tạm giao bà C đại diện hộ gia đình quản lý sử dụng thửa đất trên.

Ngày 01/6/2007 bà M khởi kiện bà C, yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Q để lại. Bà M cho rằng: Nguồn gốc đất của cụ Q là do UBND xã cấp riêng cho cụ Q. Năm 1998 chị C tự ý kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có giấy tờ tặng cho của cụ Q. Bà M yêu cầu được chia thừa kế toàn bộ di sản của cụ Q gồm 210m2 đất ở, chấp nhận đền bù công sức cho bà C bằng 50.000.000đ.

Bà C trình bầy: Khi vợ chồng bà ở chung với cụ Q thì cụ Q đã nói cho vợ chồng bà đất; khi bà đổi đất, kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cụ Q có biết và đồng ý. Bà M yêu cầu chia thừa kế, bà C không đồng ý. Công sức đóng góp của vợ chồng bà khoảng 50.000.000đ.

Đại diện UBND huyện trình bầy: Kiểm tra hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của hộ bà C không có giấy tặng cho đất, nhưng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà C là được làm đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như: ông A, ông B, bà D, bà Đ, bà G, bà K có lời khai nếu Toà án xác định là đất của cụ Q thì xin được chia thừa kế và cho bà C sử dụng. Nếu là đất của bà C thì không yêu cầu chia thừa kế.

Việc giải quyết vụ án có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Xác định nguồn gốc đất 210m2 đất được cấp riêng cho cụ Q; cụ Q chưa cho bà C đất; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà C là sai, nên huỷ quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ bà C; di sản của cụ Q là quyền sử dụng 210m2 đất được chia cho bà M và bà C theo pháp luật. Căn cứ các Điều 678, 679, 733, 734 Bộ luật dân sự. Bà C và bà M mỗi người được hưởng 1/2 di sản. Bà M phải thanh toán trả bà C 25.000.000 đồng công sức. Việc xác định 6 người con của cụ P và cụ L tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng. Vì theo Điều 635 Bộ luật dân sự cụ P đã mất trước thời điểm mở thừa kế, các con riêng cụ P không được thừa kế di sản của cụ Q.

Quan điểm thứ hai: Xác định nguồn gốc 210m2 đất được cấp riêng cho cụ Q. Vợ chồng bà C ở chung với cụ Q và có công san lấp tân tạo xây dựng nhà cửa; khi bà C đổi đất, kê khai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ Q có biết và đồng ý, điều đó chứng tỏ cụ Q và vợ chồng bà C đã góp tài sản cùng nhau làm kinh tế là một hộ gia đình theo Điều 106, 107, 108 Bộ luật dân sự. Căn cứ các Điều 678, 679, 733, 734, 735 Bộ luật dân sự, di sản của cụ Q chỉ có 1/6 trong tổng số tài sản chung của hộ gia đình là quyền sử dụng 210m2: 6= 35m2 được chia cho bà M và bà C. Bà M phải thanh toán trả bà C 4.165.000 đồng tiền công sức.

Tôi cũng đồng ý với quan điểm thứ hai này.

Rất mong được sự chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp nhằm đi đến sự thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực tế công tác kiểm sát./.

Nguyễn Thế Lượng 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,840,849
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.149.229.253

    Thư viện ảnh