Việc xác định tài sản chung, các hoạt động kinh tế chung của hộ gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, của các thành viên trong hộ gia đình khi tham gia các quan hệ pháp luật dân sự; kinh doanh thương mại. Tuy nhiên trên thực tế việc xác định hoạt động kinh tế nào là hoạt động kinh tế chung của hộ gia đình luôn là vấn đề khó, dẫn đến có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau. Sau đây, chúng tôi xin nêu một tình huống thực tế để trao đổi cùng bạn đọc.
Tóm tắt nội dung vụ án:
Từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2012, chị Ngô Thị L làm đại lý thức ăn chăn nuôi (đại lý cấp I) có hợp đồng giao cám cho gia đình anh Phạm Văn M và chị Ngô Thị T để bán (Hai hộ đều có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể). Khi mua bán, đôi bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau về việc thanh toán có đồng chịu, đồng trả. Trong quá trình giao hàng có lần anh Phạm Văn H và anh Phạm Văn K (đều là con trai chị T) đứng ra nhận hàng, trả tiền và ký vào sổ giao hàng. Quá trình thực hiện hợp đồng đến ngày 10/5/2012, hai bên chấm dứt việc mua bán và đến ngày 14/6/2014, hai bên chốt sổ xác định chị T còn nợ chị L số tiền là 955.704.000đồng. Do chị T không thanh toán nên dẫn đến tranh chấp.
Chị L khởi kiện yêu cầu chị T, anh M, anh H, anh K có trách nhiệm trả số tiền còn nợ 955.704.000đồng và lãi theo lãi suất quá hạn kinh doanh thương mại trên thị trường từ ngày 11/5/2012. Tòa án huyện Y đã thụ lý yêu cầu khởi kiện của chị L và xác định đây là vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại
Chị T cho rằng, năm 2009 chị có được cấp “ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể”, sau đó, do không vay được vốn Ngân hàng chị đã hủy đăng ký kinh doanh, nhưng chị không còn giấy tờ gì về việc đã hủy đăng ký kinh doanh. Trong thời gian mua bán cám với chị L, chị không có đăng ký kinh doanh. Việc mua bán cám do một mình chị thực hiện, chồng và hai con chị không liên quan. Anh H, K có mấy lần nhận hàng và trả tiền hộ chị là do những hôm đó chị bận việc nên đã nhờ các cháu chỉ nhận hàng hoặc trả tiền hộ chị, còn việc mua bán các cháu đều không biết gì và không liên quan. Hiện nay anh M và anh K đi làm thuê ở đâu chị T không rõ. Chị T đồng ý trả chị L số tiền còn nợ nêu trên.
Anh M xác định việc kinh doanh là của chị T, anh M thường xuyên đi làm gỗ ở nơi khác không có nhà. Anh H thừa nhận có mấy lần nhận hàng và trả tiền hộ chị T và báo lại cho chị T biết. Anh M và anh H không nhất trí trả số tiền theo yêu cầu của chị L.
Anh K đi làm ăn xa vắng mặt tại địa phương nên không có bản tự khai và không lấy được lời khai của anh K.
Tòa án huyện Y đã giải quyết: Buộc chị T, anh M, anh H và anh K phải liên đới trả nợ cho chị L số tiền gốc là 955.704.000 đồng và số tiền lãi tính từ ngày 11/5/2012 đến ngày 30/9/2014 là 312.570.000đồng (lãi suất nợ trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử là 1% /tháng theo quy định tại Điều 55 và Điều 306 Luật Thương mại). Cụ thể: Chị T, anh M, anh H, anh K mỗi người phải trả cho chị L số tiền là 317.068.525 đồng và phải chịu án phí theo quy định.
Việc Tòa án xác định anh H, anh K là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và buộc các anh phải trả nợ cho chị L có hai quan điểm khác nhau như sau:
* Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án xác định anh H, anh K là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và buộc các anh phải trả chị L với số tiền như trên là có cơ sở vì:
Điều 106 Bộ Luật dân sự quy định: Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”
Điều 110 Bộ luật dân sự quy định về trách nhiệm dân sự của hộ gia đình:
1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.
2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình”.
Như vậy, hộ gia đình chị T anh M gồm có 04 thành viên hiện vẫn ở chung và cùng nhau đóng góp công sức cho hoạt động kinh tế chung. Đối với hoạt động kinh doanh cám, chị T là đại diện “hộ gia đình” đã đứng ra đăng ký “hộ kinh doanh” và đã được cấp “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể”. Do đó, mọi thành viên trong gia đình đều có quyền và nghĩa vụ như nhau. Vì vậy trách nhiệm trả nợ là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình. Mặc dù tại thời điểm chị T được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh anh K chưa đủ 18 tuổi, nhưng tại thời điểm anh K nhận hàng và trả tiền hàng (năm 2012) thì anh K đã đủ tuổi chịu trách nhiệm dân sự về hành vi của mình và phù hợp quy định tại Điều 106 và Điều 110 Bộ luật dân sự.
* Quan điểm thứ hai: Việc Tòa án xác định anh H, anh K là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và buộc mỗi người phải trả chị L số tiền như trên là không có cơ sở, bởi lẽ:
Chị T đã được cấp “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể” , đăng ký lần đầu ngày 11/12/2009 do UBND huyện Y cấp. Tại mục 1 có ghi đầy đủ: “1. Tên hộ kinh doanh hoặc tên cá nhân hoặc tên đại diện hộ gia đình: Phan Thị T”. Như vậy không thể xác định “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể” này cấp cho cả hộ gia đình (bao gồm tất cả các thành viên trong gia đình chị T gồm 04 người). Hơn nữa chị T trình bày, chị là người xin đăng ký kinh doanh cho một mình chị, còn chồng và con chị đều đi làm việc khác (nội dung này được anh M, anh H xác nhận). Mặt khác, các thành viên khác trong gia đình chị T không cử chị là đại diện cho “Hộ gia đình” để đăng ký là “Hộ kinh doanh” nên chưa thỏa mãn khoản 1 Điều 110 Bộ luật dân sự (thực hiện nhân danh hộ gia đình thì mới phát sinh nghĩa vụ).
Khoản 1 Điều 49 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ cũng xác định:Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Theo quy định trên và căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ thì có thể hiểu chị T chỉ đăng ký kinh doanh với tư cách là “Cá nhân”, không có căn cứ nào xác định chị đăng ký kinh doanh với tư cách “Đại diện hộ gia đình”. Do đó, khi kinh doanh bị thua lỗ thì chủ hộ kinh doanh (chị T) phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi khoản nợ, chồng và các con của chị T chỉ là người nhận hàng và trả tiền giúp khi có ý kiến của chị. Hơn nữa, thời điểm chị T được cấp "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể" là năm 2009, anh K chưa đủ 18 tuổi (sinh năm 1993), đến năm 2012 anh K mới có lần nhận hàng và trả tiền hộ chị T, sau đó anh K đi làm ăn ở xa, còn anh H cũng đi làm rừng không có nhà. Do vậy, việc Tòa án huyện Y buộc anh H và anh K phải chịu trách nhiệm liên đới cùng trả nợ cho chị L là không có căn cứ.
Với tình huống cụ thể trên, rất mong nhận được sự chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp nhằm đi đến sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực tế công tác kiểm sát./.
Nguyễn Thị Lan