ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -23:25 PM

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định về giám định hàm lượng các chất ma túy trong giải quyết các vụ án ma túy

 | 

Khi xử lý các tội phạm về ma túy quy định tại Chương XVIII Bộ luật hình sự thì Cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào "trọng lượng" và "số lượng" các chất ma túy để khởi tố, truy tố, xét xử. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay còn có những khó khăn, vướng mắc vì liên quan đến việc giám định "hàm lượng" chất ma túy.

Theo quy định tại Thông tư liên lịch số 17 ngày 24/12/2007 của Bộ Công an - VKSND tối cao - TAND tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của BLHS thì đối với các "Chất ma túy" quy định tại điểm a, b tiểu mục 1.1 Mục I Thông tư liên tịch số 17 mới bắt buộc phải giám định "hàm lượng" để tính trọng lượng chất ma túy.

Tại tiểu mục 1.4 Mục I Thông tư liên tịch số 17 quy định: "Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nhưng người thực hiện hành vi ý thức đó là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của Điều luật tương ứng đối với các tội phạm ma túy". Căn cứ vào quy định này, thì ngay cả trường hợp giám định chất ma túy đã thu giữ không phải là ma túy mà người thực hiện ý thức chất đó là ma túy thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ma túy.

Tuy nhiên ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS trong đó có nội dung: "Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999."

Sau khi nhận được văn bản nêu trên, Tòa án 2 cấp (tỉnh và huyện) đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra bổ sung với yêu cầu phải giám định hàm lượng chất ma túy đã thu giữ. Trong quá trình thực hiện văn bản này đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như sau:

1- Hiện nay các vụ án ma túy do Tòa án hoặc Viện kiểm sát trả hồ sơ để yêu cầu trưng cầu giám định hàm lượng các chất ma túy là rất lớn, có vụ số lượng ma túy thu được lên đến hàng trăm bánh hêrôin. Nhưng việc giám định hàm lượng chất ma túy hoặc tiền chất ma túy thì cơ quan giám định ở địa phương không giám định được mà chỉ có Viện khoa học hình sự Bộ Công an mới giám định được. Việc giám định hàm lượng tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an thường không có kết quả ngay phải chờ đợi, dẫn tới việc phê chuẩn bắt khẩn cấp, khởi tố điều tra cũng như việc áp dụng biện pháp ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

2- Sau khi giám định hàm lượng các chất ma túy thì căn cứ vào trọng lượng hay căn cứ vào hàm lượng các chất ma túy để kết tội các bị cáo? Nếu lấy hàm lượng các chất ma túy để làm căn cứ kết các bị cáo thì quy đổi như thế nào? Một số vụ án tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, trọng lượng ma túy thu được không lớn, trước đây đã giám định loại, trọng lượng ma túy thì đủ trọng lượng kết tội bị cáo nhưng nay giám định hàm lượng và thực hiện việc quy đổi thì không đủ về trọng lượng để kết tội bị cáo thì xử lý như thế nào? Những vụ án “truy xét” không thu giữ được chất ma túy nên không có vật chứng để giám định thì thực hiện như thế nào? Hoặc đối với những vụ án số lượng ma túy thu được rất lớn (hàng trăm bánh hêrôin) thì có phải tiến hành giám định hàm lượng đối với từng bánh hêrôin không?

3- Đối với những bản án ma túy đã có hiệu lực pháp luật và những bản án đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì xử lý thế nào? Các bản án ma túy đã có hiệu lực pháp luật nếu áp dụng xác định hàm lượng có thể thay đổi khung, khoản xét xử và mức hình phạt...thì có phải xem xét lại không? Đối với bản án ma túy đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị nếu áp dụng xác định hàm lượng cũng có thể làm thay đổi mức hình phạt đối với các bị cáo thì có xử lý theo hướng giảm hình phạt không?

Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đề nghị liên ngành Trung ương kịp thời có văn bản hướng dẫn. Tác giả mong nhận được những ý kiến, quan điểm trao đổi của đồng nghiệp trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên /.

Nguyễn Thị Hồng- Phòng 2

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,803,162
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.199.54

    Thư viện ảnh