.

Thứ bảy, 04/05/2024 -09:59 AM

Bài viết trao đổi: Nguyễn Văn B có phạm tội ?

 | 

Bị cáo có thể hiện ý thức chiếm đoạt tài sản không? Khách thể nào bị xâm hại?

Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B mỗi người trú quán ở mỗi tỉnh khác nhau nhưng chỉ cách nhau một chuyến đò qua sông Cái.

Nguyễn Văn A cứ hai ngày lại sang gặp Nguyễn Văn B để mua cá theo hợp đồng miệng, khi thanh toán thì đồng trả, đồng chịu. Hai người mua bán với nhau được một năm thì Nguyễn Văn A thấy giá bán cá của B có phần đắt hơn của người khác cho nên A đã không mua cá của B nữa và tự ý bỏ đi mua cá của người khác cùng xã với B. A không nói gì với B và còn nợ lại B số tiền cá là 500.000đ. Vì không biết A bỏ hợp đồng nên B vẫn đi thu mua gom cá mục đích để bán cho A nhưng mấy ngày sau không thấy A đến mua và cũng không thấy tin tức gì về A. Chính vì thế số cá của B bị chết dần và B phải bán cho người khác.

Khoảng 10 ngày sau B nghe được thông tin A đã không mua cá của B mà mua cá của người khác, B đã đi tìm A để hỏi lý do và đòi hết số tiền 500.000đ mà A còn nợ B nhưng không thể nào gặp được A. Vào một buổi chiều ngày 05/5/2014 Nguyễn Văn A có đèo bạn là Trần Văn D đi qua cổng nhà B bằng xe mô tô, B phát hiện nên gọi thì A không thưa mà vẫn đi, B liền lấy xe mô tô đuổi theo. Thấy B gọi to và lấy xe đi nhanh, mấy người hàng xóm với B đoán chắc có việc gì nên đã bảo nhau đi theo B xem có chuyện gì.

B đi xe nhanh khi gặp A, B nói to “Mày đỗ lại tao hỏi”, A không đỗ xe mà vẫn đi tiếp. B liền vượt lên chèn xe của A, lúc đó A mới chịu dừng xe lại. Khi xuống xe B nói “Mày đang mua cá của tao, mày bỏ đi mua cá của người khác tại sao không nói với tao? Tao mua cá về chờ mày mấy ngày để cá bị chết. Tại sao mày còn nợ tiền tao cũng không thấy mày trả, mày làm ăn kiểu gì thế”. Lúc này D nói “Nợ cái đ gì, lằng nhằng, vớ vẩn, thôi đi đi” nghe vậy B bảo “Mày bố láo”, đồng thời tát một cái vào mặt của D. D liền bảo với A “Mày có nợ thật không”, A bảo “Còn nợ anh ấy 500.000đ”, D liền rút trong túi ra được 300.000đ đưa cho A và bảo “Tao có 300.000đ mày cầm trả nợ đi”. A cầm 300.000đ rồi đưa cho B và nói “Anh cầm lấy, số còn lại hôm nào em trả nốt”, B cầm tiền thì cũng là lúc mấy người cùng xóm với B đi tới và không nói gì.

Ngay lúc đó A và D đi vào nhà ông Trần Đình C để mua cá và có kể lại chuyện vừa xảy ra cho ông C nghe. Ông C nghe chuyện đã báo với Công an xã. Sau đó Công an huyện X đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn B về tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.

Từ đó có nhiều ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng Nguyễn Văn B không phạm tội “Cướp tài sản”, có ý kiến lại cho rằng đã có đầy đủ các yếu tố để xử lý Nguyễn Văn B về tội “Cướp tài sản”.

Với nội dung nêu trên tôi phân tích và có quan điểm như sau:

Thứ nhất: Chúng ta phải xem xét đến lỗi của Nguyễn Văn B, ý thức chủ quan của B có thể hiện ý thức chiếm đoạt 300.000đ của A mà D đưa cho không? Muốn làm rõ yếu tố trên phải xem tính lôgic của sự việc; mối quan hệ nhân quả của hành vi và hậu quả do chính hành vi đó gây ra.

- Trong trường hợp này Nguyễn Văn B đuổi theo A với ý thức để đòi tiền 500.000đ mà A nợ B chứ không phải vì lý do nào khác.

- Khi gặp A thì B không chửi bới, đánh đập hay có sự uy hiếp gì về tinh thần đối với A mà chỉ hỏi lý do tại sao A không mua cá và không trả tiền B.

- Lý do B tát vào mặt D vì D không biết gì về mối quan hệ của A và B mà còn tỏ thái đó, có lời nói xúc phạm nên B đã tát D để cảnh cáo chứ không phải mục đích bắt D phải đưa tiền cho A vay để trả nợ. Hơn nữa D trước khi đưa tiền cho A còn hỏi A “Mày có nợ thật không”, A bảo “Còn nợ anh ấy 500.000đ” thì lúc đó D mới đưa tiền cho A để A trả cho B. Vậy xác định việc D đưa tiền cho A vay là mối quan hệ dân sự, thỏa thuận giữ A và D chứ không phải vì một cái tát của B mà D đưa tiền cho A để trả B.

A không bị đánh, không bị cưỡng ép khi có tiền của D đưa cho đã tự giác đưa cho B và còn nói “Anh cầm lấy, số còn lại hôm nào em trả nốt”. Qua đó cho ta thấy B không có ý thức chiếm đoạt tiền của A một cách trái pháp luật.

Thứ hai:  Xét đến khách thể nào bị xâm hại?

D bị B tát một cái vào mặt là do phát ngôn có tính xúc phạm đến B, B tát không vì mục đích bắt D phải đưa tiền cho A vay để trả nợ vì thế cũng không thể xác định D là bị hại. Số tiền đó theo nguyên tắc A phải trả lại cho D nên cả hai đối tượng A và D đều không thể xác định là bị hại được.

Từ những phân tích trên quan điểm của tôi Nguyễn Văn B không đủ các yếu tố cầu thành tội “Cướp tài sản” theo Điều 133 Bộ luật hình sự.

Đề nghị các bạn độc giả cùng nghiên cứu và phân tích để đi đến thống nhất việc xử lý cho đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 Nguyễn Đình Điển.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,830,660
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.79.60

    Thư viện ảnh