.

Thứ bảy, 04/05/2024 -00:29 AM

TRAO ĐỔI, THẢO LUẬN: Một số ý kiến về vai trò của lãnh đạo và quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự ở Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

 | 

Theo số liệu thống kê của ngành Kiểm sát tỉnh Bắc Giang trong ba năm (2011, 2012, 2013) các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tiến hành thụ lý kiểm sát điều tra tổng số 4.428 vụ án hình sự các loại với 8.451 bị can. Số vụ án mà các Viện kiểm sát cấp huyện phải hoàn hồ sơ cho Cơ quan điều tra yêu để tra bổ sung là 81 vụ, chiếm tỷ lệ 2,42% so với tổng số vụ án Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố. Số vụ án Viện kiểm sát quyết định truy tố, Toà án cấp huyện đã xét xử sơ thẩm bị Toà án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm xử hủy án để điều tra lại là 21 vụ, chiếm tỷ lệ 0,62% so với tổng số các vụ án Viện kiểm sát đã truy tố. Nguyên nhân các vụ án phải hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc bị huỷ để điều tra lại chủ yếu là bổ sung chứng cứ, khắc phục tố tụng, thay đổi tội danh, có trường hợp do bỏ lọt tội phạm hoặc để khởi tố bổ sung về một tội phạm khác.v.v…

Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện còn tồn tại, hạn chế. Trước hết là việc kiểm tra, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đối với Kiểm sát viên trong việc thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra cũng như tiến hành lập hồ sơ kiểm sát theo quy định của Ngành còn chưa tốt. Những thiếu sót của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra không được phát hiện, chấn chỉnh khắc phục kịp thời. Mặt khác, còn có nơi lãnh đạo nghe báo cáo án không kỹ, không sâu, không tỷ mỉ, thiếu thận trọng trong việc xem xét các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, có tâm trạng thoả mãn với báo cáo của Kiểm sát viên, dẫn đến sai sót trong nhiều trường hợp. Về phía Kiểm sát viên, còn có những Kiểm sát viên chưa thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Qua thực tiễn cho thấy có nhiều vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhiều vụ án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xử huỷ án để điều tra lại đều không phải do các vụ án quá khó về thu thập và đánh giá chứng cứ, mà do Kiểm sát viên đã không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định tại Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Do ý thức trách nhiệm chưa cao, một số Kiểm sát viên thiếu chủ động trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, còn nhiều hạn chế trong việc nghiên cứu để nắm bắt tiến độ vụ án cũng như các vấn đề cần chứng minh của vụ án. Kiểm sát viên không bám sát quá trình điều tra vụ án, nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ, không sâu, không khách quan, do đó không nắm được đầy đủ tỷ, mỉ các tình tiết, các chứng cứ, tài liệu buộc tội và gỡ tội. Do không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nên không phát hiện được những chứng cứ còn thiếu, những mâu thuẫn của chứng cứ buộc tội, gỡ tội để yêu cầu điều tra bổ sung chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can. Có trường hợp, Kiểm sát viên chỉ thiên về việc đi tìm các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tức chỉ thiên về thực hành quyền công tố mà quên đi quyền hạn và trách nhiệm tiến hành hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra. Điều đó dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng một cách nghiêm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án…

KSV Viện KSND cấp huyện thực hành quyền công tố tại phiên tòa

Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của các Viện kiểm sát cấp huyện, thì việc tăng cường hơn nữa vai trò của lãnh đạo, kết hợp với tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên là yêu cầu khách quan, xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ngành kiểm sát nhân dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Cũng như nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng và của của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự đã được quy định cụ thể, rõ ràng tại  điều 36, điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Tăng cường vai trò của lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện, trước hết là nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Viện trưởng, các Phó Viện trưởng trong việc trực tiếp thực hiện các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các cụ án hình sự. Một thực tế tồn tại là có nhiều đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện quá tập trung vào các công việc hành chính, sự vụ hoặc các công việc ở địa phương do cấp uỷ phân công mà phó mặc các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự cho các đồng chí Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên. Nhiều quyết định tố tụng lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện ban hành chỉ trên cơ sở nghe báo cáo của cấp dưới, do vậy đã để xảy ra sai sót. Việc nâng cao hơn nữa vai trò của lãnh đạo cũng có nghĩa là đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý chặt chẽ đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Hoạt động quản lý của lãnh đạo phải đảm bảo sự hoạt động đều, nhịp nhàng, thống nhất trong toàn bộ guồng máy những trước hết phải đảm bảo quản lý chặt chẽ công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm; quản lý các vấn đề khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; quản lý các vấn đề về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quản lý các trường hợp án đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; các trường hợp áp dụng các biện pháp ngăn chặn…. Công tác quản lý không chỉ chú trọng quản lý công việc mà còn phải quản lý con người, phải có sự phân công hợp lý trong công tác để phát huy hết năng lực, sở trường công tác trong mỗi cán bộ trong đơn vị.

Bên cạnh việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cần đồng thời xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Việc nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cần được đặt trong quan hệ với việc nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên. Mối quan hệ này phải được giải quyết hài hoà, nếu không sẽ xảy những động thái tiêu cực, hoặc quá coi trọng trách nhiệm của của lãnh đạo mà hạ thấp vai trò của Kiểm sát viên, điều này sẽ dẫn đến tình trạng làm cho Kiểm sát viên không phát huy được hết vai trò sáng tạo, dễ thụ động, ỷ lại cho lãnh đạo; hoặc ngược lại, quá coi trọng quyền hạn của Kiểm sát viên mà bỏ quên trách nhiệm của lãnh đạo. Chúng tôi cho rằng nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo không đồng nghĩa với với việc lãnh đạo làm thay các công việc của Kiểm sát viên. Điều quan trọng là phải quy định để phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên theo hướng mạnh dạn tăng quyền hạn, trách nhiệm cho Kiểm sát viên. Cần tạo điều kiện pháp lý cũng như điều kiện thực tế để Kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với vai trò là người tiến hành tố tụng, có đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.

Theo tiến trình cải cách tư pháp thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay sẽ là cơ sở, nền tảng của Viện kiểm sát khu vực tới đây. Thiết nghĩ, tăng cường vai trò của lãnh đạo và quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của các Viện kiểm sát cấp huyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Trên đây là một số ý kiến về vai trò của lãnh đạo và quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự ở các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, chúng tôi xin nêu ra để các đồng nghiệp trong ngành cùng trao đổi, thảo luận./.

Lê Đình Tuấn -VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,826,717
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.104.238

    Thư viện ảnh