Qua nghiên cứu bài viết “Một số quan điểm khác nhau khi áp dụng điểm g, khoản 1, Điều 48 BLHS” của tác giả Dương Thị Minh Hiếu (tổng hợp) đăng ngày 24/9/2014 trên mục “Bài viết trao đổi” trên trang tin điện tử ngành Kiểm sát Bắc Giang, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:
>>> Trao đổi bài viết: “Một số quan điểm khác nhau khi áp dụng điểm g, khoản 1, Điều 48 BLHS”
Bài viết có nêu một trường hợp cụ thể: Bị can Nguyễn Văn A trong vụ án đánh bạc (bằng hình thức ghi lô đề), qua quá trình điều tra đã chứng minh được bị can tham gia đánh bạc 02 ngày. Ngày thứ nhất số lượng tiền đánh và tiền trúng đề của bị can được trên 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng); ngày thứ hai bị can đánh số lượng tiền trên 3.000.000đ (Ba triệu đồng) nhưng không trúng. Sau khi kết thúc điều tra bị can bị truy tố về tội “Đánh bạc” theo điểm b khoản 2 Điều 248 BLHS với tình tiết “tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên”. Khi xét xử vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về việc áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.
Bài viết đưa ra 2 quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A phạm tội nhiều lần nên áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 khi xét xử.
- Quan điểm thứ hai: Do Nguyễn Văn A phạm tội 2 lần nhưng chỉ có một lần trên 50 triệu đồng nên không áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 khi xét xử.
Theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi các lẽ:
Một là, theo nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của BLHS của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tại điểm c, khoản 2, Điều 1 có quy định: “Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 48 BLHS”.
Hai là, phạm tội nhiều lần được hiểu là trường hợp một người phạm tội thực hiện tội phạm từ hai lần trở lên, với cùng một tội danh mà mỗi lần thực hiện đều có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng chưa lần nào bị đưa ra xét xử. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A đã tham gia đánh bạc 2 lần đều trên mức tối thiểu (2 triệu đồng), do đó xác định Nguyễn Văn A phạm tội nhiều lần là chính xác. Việc Nguyễn Văn A bị truy tố, xét xử về tội Đánh bạc theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 248 là do có một ngày Nguyễn Văn A đánh bạc với số tiền trên 50 triệu đồng.
Như vậy, theo quan điểm của chúng tôi, khi xét xử Nguyễn Văn A về tội Đánh bạc, cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 48 BLHS mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.
Nguyễn Hồng Hạnh -Viện KSND huyện Lục Nam