ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -22:17 PM

Trao đổi bài viết: “Tòa án nhân dân giao người được hưởng án treo cho cơ quan nhà nước nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục có đúng luật hay không?"

 | 

Qua nghiên cứu bài viết trên Trang tin điện tử của ngành kiểm sát Bắc Giang do tác giả Đặng Bá Hưng có nêu một vụ việc cụ thể: Trần Văn A sinh năm 1978, trú tại thị trấn Đ, huyện L, tỉnh BG, là cán bộ đang công tác tại bệnh viện đa khoa huyện L. Ngày 01/9/2013 A có tham gia đánh bạc bị cơ quan điều tra Công an huyện L bắt và bị khởi tố vụ án, bị can về tội “ Đánh bạc” theo Điều 248 BLHS. Ngày 10/12/2013 Viện kiểm sát nhân dân huyện L có cáo trạng truy tố A ra trước TAND huyện L để xét xử về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 BLHS. Ngày 22/01/2014, Tòa án nhân dân huyện L mở phiên tòa để xét xử sơ thẩm vụ án và đã áp dụng khoản 1 Điều 248 BLHS, các điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 60 BLHS xử phạt Trần Văn A 06 tháng tù về tội “Đánh bạc” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng kể từ ngày tuyên án và giao bị cáo cho bệnh viện Đa khoa huyện L nơi bị cáo đang công tác để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Có 02 quan điểm: - Quan điểm thứ nhất cho là sai luật.

                          - Quan điểm thứ hai cho là đúng luật.

Tôi xin phân tích và bày tỏ quan điểm như sau:

Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ ban hành quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo được quy định hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ Luật hình sự (BLHS) và các Điều 227, 234, 237, 238 của Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2000.

Tại Điều 3 của Nghị định số 61 quy định: Cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nói trong Nghị định này là:

1. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người được hưởng án treo, nếu người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, người đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;

2. Đơn vị quân đội từ cấp đại đội hoặc tương đương trở lên, nếu người được hưởng án treo la quân nhân, công nhân quốc phòng;

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nếu người được hưởng án treo là người lao đônhgj làm công ăn lương;

4. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được hưởng án treo cư trú, nếu người được hưởng án treo không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1,2 và 3 Điều này.

Như vậy Nghị định số 61 của Chính phủ quy định cho: Cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, doanh nghiệp, hợp tác xã và UBND phường, xã, thị trấn được giao nhiệm vụ thực hiện việc quản lý, giám sát, giáo dục người có án phạt tù nhưng được hưởng án treo, phù hợp với quy định tại Điều 60 BLHS. Những quy định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/6/2011.

Kể từ ngày 01/7/2011, Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành thì những quy định nào về thi hành án hình sự trái với Luật này phải thực hiện theo Luật thi hành án hình sự (Luật THAHS); cụ thể được quy định tại Điều 181 Luật THAHS như sau:

Điều 181. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01tháng 7 năm 2011.

2. Pháp lệnh thi hành án phạt tù ngày 08 tháng 3 năm 1993, Pháp lệnh số 01/2007/UBTUQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thi hành án phạt tù hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực.

3. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của Bộ Luật hình sự, Bộ Luật tố tụng  hình sự về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh cáo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, thi hành án phạt trục xuất, thi hành án phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có nội dung khác với Luật này thì áp dụng theo quy định của Luật này.

Tại chương V của Luật THAHS quy định về thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ được quy định từ Điều 61 đến Điều 81, trong đó Điều 63 LTHAHS quy định rõ nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Các cơ quan, tổ chức không được giao nhiệm vụ này.

 Đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành vào trường hợp Trần Văn A nêu trên, Tòa án đã áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46 và Điều 60 BLHS xử phạt Trần Văn A: 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng kể từ ngày tuyên án, giao bị cáo Trần Văn A cho bệnh viện đa khoa huyện L nơi bị cáo đang làm việc để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách là sai. Bởi lẽ, theo quy định của Luật thi hành án hình sự hiện hành thì Bệnh viện đa khoa huyện L không được giao nhiệm vụ này. Theo quan điểm của tôi, bản án này đã vi phạm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật, cần phải báo cáo lên VKS cấp trên để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm vi phạm này để xét xử lại.

Nguyễn Văn Nam - phòng 4

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,444,707
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.12.73.149

    Thư viện ảnh