ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -20:37 PM

Đề xuất sửa đổi quy định về bản án, quyết định được thi hành tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự

 | 

Qua nghiên cứu và thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự, chúng tôi thấy quy định về bản án, quyết định được thi hành tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 còn một số bất cập và có quy định còn mâu thuẫn với quy định tại các văn bản luật khác, cụ thể như sau:

1- Trích dẫn quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự năm 2008

 “Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành

Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:

1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:

a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;

d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;

e) Quyết định của Trọng tài thương mại.

2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;

b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”

2- Phân tích các mâu thuẫn, bất cập:

+ Thứ nhất: Qua nghiên cứu các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời tại điều 69 Luật tố tụng hành chính, điều 123 Bộ luật tố tụng dân sự đều quy định “Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay” và Tòa án phải gửi ngay các quyết định này đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để thi hành. Tuy nhiên, chúng ta thấy tại điểm b khoản 2 điều 2 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” được thi hành ngay chứ không có quy định “Quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Tòa án được thi hành ngay. Như vậy, Luật thi hành án dân sự thiếu quy định về việc thi hành Quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính.

+ Thứ hai: Tại khoản 2 điều 2 Luật thi hành án dân sự quy định Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Nhưng khi nghiên cứu các quy định tại các điều 70, 71 Luật tố tụng hành chính; các điều 124, 125 Bộ luật tố tụng dân sự đều có quy định Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ có thể bị đương sự khiếu nại, bị Viện kiểm sát kiến nghị chứ không có bất kỳ một quy định nào về việc “kháng cáo, kháng nghị” các quyết định này của Tòa án như khoản 2 điều 2 Luật Thi hành án dân sự nêu. Như vậy, quy định tại khoản 2 điều 2 Luật Thi hành án dân sự không phù hợp với các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự, hành chính.   

+ Thứ ba: Tại điểm a khoản 2 điều 2 Luật Thi hành án dân sự quy định Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc là những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Quy định như vậy là thiếu chặt chẽ, bởi lẽ trên thực tế có rất nhiều bản án, quyết định của Tòa án chỉ có một phần bản án, quyết định về các vấn đề nêu trên còn lại là về các vấn đề khác không được thi hành ngay như vấn đề hình phạt tù trong bản án hình sự, vấn đề chia tài sản chung trong bản án hôn nhân gia đình...chứ không phải toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm về các vấn đề nêu trên. Hơn nữa tại điểm a khoản 1 của điều 2 cũng đã nêu rõ “Bản án, quyết định hoặc phần bản án quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm…” do đó theo quan điểm của chúng tôi ở khoản 2 điều 2 cũng cần dùng cụm từ phần bản án để đảm bảo tính chặt chẽ hơn.

3- Đề xuất hướng sửa đổi:

+ Đối với vấn đề mâu thuẫn, bất cập thứ nhất: Cần bổ sung vào điều 2 Luật thi hành án dân sự quy định về thi hành quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

+ Đối với vấn đề mâu thuẫn, bất cập thứ hai: Do các quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị nên đề nghị đưa quy định thi hành “Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” vào khoản 1 điều 2 chứ không nên để ở điểm b khoản 2 điều 2 Luật thi hành án dân sự nữa.

+ Đối với vấn đề mâu thuẫn bất cập thứ ba: Cần sửa đổi theo hướng quy định thêm cụm từ “phần bản án, quyết định” vào sau cụm từ “Bản án, quyết định” giống như quy định tại điểm a khoản 1 điều 2 Luật thi hành án dân sự đã dùng các cụm từ này.

Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,434,600
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.108.233

    Thư viện ảnh