.

Thứ hai, 22/07/2024 -18:20 PM

Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan nhà nước nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục có đúng luật hay không?

 | 

Trần Văn A sinh năm 1978, trú tại thị trấn Đ, huyện L, tỉnh BG là cán bộ (trong biên chế) của Bệnh viện Đa khoa huyện L. Ngày 01/9/2013, Trần Văn A bị Cơ quan Điều tra huyện L khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự. Ngày 10/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân huyện L ban hành bản Cáo trạng truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện L để xét xử Trần Văn A về tội “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự. Ngày 22/01/2014, TAND huyện L mở phiên tòa xét xử vụ án và áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Trần Văn A 6 tháng tù về tội “Đánh bạc” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng kể từ ngày tuyên án, giao bị cáo Trần Văn A cho Bệnh viện Đa khoa huyện L nơi bị cáo đang làm việc để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Việc Tòa án giao bị cáo Trần Văn A cho Bệnh viện huyện L để giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách có nhiều quan điểm khác nhau như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án nhân dân huyện L xét xử cho bị cáo Trần Văn A được hưởng án treo là đúng luật nhưng lại giao bị cáo cho Bệnh viện Đa khoa huyện L giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách là không đúng luật. Bởi các lẽ sau:

+ Tại các Điều từ Điều 61 đến Điều 70 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định về thi hành án treo quy định rất rõ về việc ra quyết định thi hành án treo và các nội dung liên quan thi hành án treo. Các quy định về thi hành án treo của Luật thi hành án hình sự năm 2010 đã có rất nhiều điểm thay đổi so với các quy định về thi hành án treo tại Nghị định số 61/NĐ- CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ. Đặc biệt là tại Điều 61 Luật thi hành án hình sự quy định về việc ra quyết định thi hành án treo phải ghi rõ Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và tại các Điều 62, 63, 66, 67, 68, 69 cũng đã có những quy định rất rõ về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. Tại các Điều luật trên của Luật thi hành án hình sự năm 2010 không có bất kỳ quy định nào về các cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo giống như quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 61/NĐ-CP năm 2000 của Chính phủ (Cơ quan trực tiếp quản lý người được hưởng án treo là cán bộ, công chức…).

+ Tại khoản 3 Điều 181 Luật thi hành án hình sự quy định về Hiệu lực thi hành của Luật thi hành án hình sự đã nêu rất rõ kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành án phạt tù, thi hành án treo…có nội dung khác với Luật này thì áp dụng theo quy định của Luật này.

+ Trước đây tại tiểu mục 6.6, mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có những quy định rất rõ về việc Tòa án giao người bị xử phạt tù cho hưởng án treo cho các cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát giáo dục tương tự như các quy định về cơ quan, tổ chức giám sát giáo dục người được hưởng án treo tại Điều 3 Nghị định 61/NĐ-CP năm 2000 của Chính phủ. Nhưng, sau khi Luật thi hành án hình sự năm 2010 có hiệu lực thi hành, ngày 06/11/2013 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết số 01/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo đã có sự thay đổi so với Nghị quyết số 01 năm 2007 nêu ở trên. Cụ thể là tại Điều 5 của nghị quyết số 01 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định khi cho người bị xử phạt tù được hưởng án treo, Tòa án phải ghi rõ trong bản án việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Quy định này phù hợp với quy định về thi hành án treo của Luật thi hành án hình sự, không có quy định nào về việc giao người được hưởng án treo cho các cơ quan, tổ chức giống như  khoản 1 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 61/NĐ-CP năm 2000 của Chính phủ nữa.

+ Đối với những trường hợp người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… thì việc lao động, học tập của họ đã được quy định rõ tại Điều 65 Luật thi hành án hình sự năm 2010.

Từ những phân tích ở trên cho thấy Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã “giới hạn” cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, theo đó, chỉ có UBND cấp xã nơi người được hưởng án treo cư trú, đơn vị quân đội nơi người được hưởng án treo làm việc mới được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục họ trong thời gian thử thách. Quy định về các quy định về cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người bị phạt tù nhưng được hưởng án treo tại Điều 3 Nghị định 61 năm 2000 của Chính phủ và tại tiểu mục 6.6, mục 6 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã đã bị thay thế không còn hiệu lực nữa. Từ đó cho thấy việc Tòa án nhân dân huyện L giao bị cáo Trần Văn A cho Bệnh viện Đa khoa huyện L giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là không đúng luật định. Do Trần Văn A đang cư trú tại thị trấn Đ, huyện L nên phải giao cho Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện L giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách mới chính xác.    

- Quan điểm thứ hai: Việc Tòa án nhân dân huyện L xét xử cho bị cáo Trần Văn A được hưởng án treo là đúng luật và giao bị cáo cho Bệnh viện Đa khoa huyện L giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách là hoàn toàn đúng luật. Bởi các lẽ sau:

+ Tại Điều 181 Luật thi hành án hình sự năm 2010 chỉ quy định rõ Pháp lệnh thi hành án phạt tù hết hiệu lực kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành chứ không quy định rõ Nghị định số 61 năm 2000 của Chính phủ quy định về án treo hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành.

+ Mặc dù tại các Điều từ Điều 61 đến Điều 70 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định về thi hành án treo có nhiều điểm thay đổi so với Nghị định số 61 năm 2000 của Chính phủ, do Luật có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định nên cần thực hiện theo đúng các quy định của Luật thi hành án hình sự. Tuy nhiên, nếu  các quy định nào tại Nghị định số 61 năm 2000 của Chính phủ về án treo mà không trái với Luật thi hành án hình sự thì vẫn được áp dụng thi hành.

+ Luật thi hành án hình sự năm 2010 và Nghị quyết số 01 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không có chỗ nào quy định rõ là không được giao người bị phạt tù được hưởng án treo cho các cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, lao động, học tập.

Từ đó, những người theo quan điểm thứ hai cho rằng việc Tòa án nhân dân huyện L xét xử giao bị cáo Trần Văn A cho Bệnh viện Đa khoa huyện L giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách không vi phạm quy định về thi hành án treo tại Luật thi hành án hình sự năm 2010 và Nghị quyết số 01 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Quan điểm thứ ba: Việc Tòa án nhân dân huyện L giao bị cáo Trần Văn A cho Bệnh viện Đa khoa huyện L giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách có đúng luật hay không đúng luật thì cần chờ cấp trên hướng dẫn, chỉ đạo. Tuy nhiên, nếu Tòa án giao Trần Văn A cho Bệnh viện Đa khoa huyện L giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách thì sẽ có những bất cập nảy sinh trong quá trình thi hành án hình sự như sau:

+ Tòa án hay Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện L có trách nhiệm giao hồ sơ thi hành án treo cho Bệnh viện đa khoa huyện L?

+ Theo quy định tại Nghị định số 61 năm 2000 của Chính phủ, người chấp hành án treo phải làm bản tự kiểm điểm về quá trình rèn luyện, tu dưỡng của mình, còn theo quy định tại Luật thi hành án hình sự, người chấp hành án treo viết bản tự nhận xét về quá trình rèn luyện, tu dưỡng của bản thân và chỉ viết bản tự kiểm điểm khi có vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án treo. Vậy họ thực hiện theo quy định của Nghị định số 61 hay quy định của Luật thi hành án hình sự?

+  Ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, cán bộ, công chức phạm tội được hưởng án treo có thể bị buộc thôi việc do đó trường hợp Bệnh viện Đa khoa huyện L buộc thôi việc đối với Trần Văn A sẽ làm cho thủ tục thi hành án phức tạp thêm.

+ Trường hợp Bệnh viện Đa khoa huyện L không buộc thôi việc và thực hiện việc giám sát, giáo dục Trần Văn A trong thời gian thử thách thì Viện kiểm sát huyện L không thực hiện được chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Bệnh viện Đa khoa huyện L trong việc thi hành án treo đối với Trần Văn A được vì Điều 17 Quy chế kiểm sát thi hành án hình sự ban hành kèm theo quyết định số 35 ngày 29/01/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã bỏ thẩm quyền này so với Quy chế kiểm sát thi hành án hình sự năm 2007.

Do vậy, những người theo quan điểm này cho rằng Tòa án nên giao Trần Văn A cho Ủy ban nhân dân thị trấn Đ để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là tốt nhất, vừa đúng luật lại không rơi vào tình huống tranh luận đồng thời thuận lợi cho quá trình thi hành án.

Đây là tình huống đã xảy ra trên thực tiễn có nhiều quan điểm khác nhau, chúng tôi thấy những người theo quan điểm thứ nhất phân tích khá hợp lý. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và quý vị độc giả. Để pháp luật về thi hành án treo được thống nhất thi hành, chúng tôi kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,517,190
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.6.36

    Thư viện ảnh