ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 10/01/2025 -21:41 PM

Góp ý dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân

 | 

Thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước liên quan đến VKSND và TAND là quan điểm chỉ đạo khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND và Luật tổ chức TAND sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII, ngày 08/9/2014 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào 02 dự án luật sẽ trình tại Kỳ họp, đó là dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Thân Văn Khoa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị.

Viện KSND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Luật tổ chức VKSND sửa đổi

Tham dự Hội nghị có đại diện các ngành Tư pháp, Nội vụ, Hội Luật gia, Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Tòa án và Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2 Quân khu I... ; Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có đồng chí Bùi Thị Ngân - Phó Viện trưởng cùng đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các huyện Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hoà, Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên và thành phố Bắc Giang.

Được sự uỷ quyền của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phạm Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đã trình bày khái quát sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND năm 2002, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phạm vi sửa đổi, những điểm mới và những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá XIII đối với 02 Dự án luật nói trên như:

Đối với Dự thảo Luật Tổ chức VKSND: Phân biệt chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND (Điều 3 và Điều 4); phân biệt quyền kiến nghị, kháng nghị của VKSND khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 5); về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự (Điều 25), về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao và số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao (Điều 62)…

Đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND tập trung vào các vấn đề về cơ chế quản lý Toà án nhân dân (Điều 18); về nhiệm vụ phát triển án lệ của Toà án nhân dân tối cao (Điều 22); về nhiệm vụ quyền hạn của Toà án quân sự (Điều 47); về quản lý Hội thẩm nhân dân (Điều 84)...

Trong phần thảo luận, nhiều đại trong ngành Kiểm sát nhân dân đã phát biểu quan điểm của mình, phân tích căn cứ lý luận và thực tiễn đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến tại diễn đàn Quốc hội đối với hai dự án luật nói trên về các vấn đề như:

1. Đối với Dự thảo Luật Tổ chức VKSND.

- Về chức năng thực hiện quyền công tố của VKSND (Điều 3): Nhiều đại biểu đề nghị phải khẳng định rõ VKSND thực hiện chức năng này trong giai đoạn khởi tố chứ không phải “ngay sau khi khởi tố vụ án” như dự thảo luật, như vậy cũng sẽ phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 6 “thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra”.

- Về phân biệt giữa quyền kiến nghị và kháng nghị của VKSND (Điều 5): Đa số các đại biểu đề nghị cần phân định rõ ràng cụ thể 02 quyền này, xác định rõ vi phạm đến mức nào thì ban hành kiến nghị và đến mức nào thì ban hành kháng nghị, việc kháng nghị không nên quy định cứng là “phải” để đảm bảo linh hoạt khi thực hiện (có trường hợp vi phạm những xảy ra đã lâu, hậu quả đã được khắc phục…). Mặt khác cần quy định việc giải quyết kháng nghị của VKSND phải tuân theo “luật” chứ không phải “theo quy định của pháp luật” như dự thảo.

- Về thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Điều 13): Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một điều quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, coi công tác này là để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố chứ không phải để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp như trong dự thảo.

Qua thực tiễn cũng đã chứng minh, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được coi là “đầu vào” hết sức quan trọng để chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Do đó, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này là rất cần thiết. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định VKSND có quyền phê chuẩn, huỷ bỏ các quyết định của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ, huỷ bỏ quyết định tạm giữ, các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật của Cơ quan điều tra…). Đây là những hoạt động để thực hành quyền công tố.

- Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND: Các đại biểu đều nhất trí đưa quy định VKSND có quyền kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công, tài sản công bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng yếu thế trong xã hội như người chưa thành niên, người già, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần... Trong một số trường hợp, các đối tượng này không thể biết quyền lợi của mình đã bị xâm phạm hoặc biết nhưng không có điều kiện để tự mình khởi kiện ra trước Toà án nhân dân để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Về số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao (Điều 62): Các đại biểu có ý kiến về số lượng như dự thảo là ít, thực tế hiện nay, số lượng Kiểm sát viên của VKSND tối cao khoảng 170 người. Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định VKSND thực hiện chức năng của mình bằng 14 công tác khác nhau (năm công tác thực hành quyền công tố và chín công tác kiểm sát hoạt động tư pháp). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét tăng số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao đẻ đảm bảo mỗi lĩnh vực đều có chuyên gia đầu ngành có nhiệm vụ hướng dẫn, tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật.

- Về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSND tối cao: Các đại biểu nhất trí không nên quy định trong luật và cần đưa vào các văn bản dưới luật cho phù hợp với thực tế và Điều 187 của Luật lao động, việc nghỉ hưu đúng tuổi cũng là quyền lợi của người lao động cần được tôn trọng.

- Vềchế độ phụ cấp (Điều 95): Đề nghị xem xét lại khoản 1 Điều 95 vì, đã là luật thì cần phải quy định rõ ràng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ là hai cơ quan có chức năng khác nhau nên cần phải quy định rõ ràng cơ quan nào có quyền quyết định chế độ phụ cấp đặc thù của VKSND. Ở khoản 2 Điều 94 mới chỉ quy định UBTVQH quyết định chế độ tiền lương đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, do đó, chế độ phụ cấp đặc thù của VKSND nên để Chính phủ quyết định cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức, nhân viên của VKSND.

2. Đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND.

- Về cơ chế quản lý TAND (Điều 18): Các đại biểu điều nhất trí với dự thảo, cơ chế quản lý của Toà án nhân dân do Toà án nhân dân tối cao thống nhất quản lý về tổ chức;

- Về nhiệm vụ phát triển án lệ Tòa án nhân dân tối cao (Điều 22): Các đại biểu đều cho rằng, việc “luật hóa” án lệ là điều không nên. Trên thực tế, không có vụ án nào giống nhau hoàn toàn. Mặt khác, với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như ở nước ta hiện nay, do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo và chưa rõ ràng chưa thể áp dụng cơ chế này.

- Về quyền của Toà án quân sự (Điều 47): Đề nghị quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án quân sự ngay trong luật như phương án 2 của dự thảo, không nên để “luật trong luật” và bổ sung thêm những tội phạm xảy ra trong doanh trại quân đội và khu vực do quân đội quản lý cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quân sự...;

- Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán (Điều 63): Đề nghị bỏ đoạn 2 khoản 2 và đoạn 2 khoản 3 vì, quy định như vậy dễ tạo kẽ hở để vận dụng đối với những trường hợp không đủ điều kiện quy định tại Điều 62. Mặt khác, để nâng cao chất lượng thẩm phán thì nhất thiết phải trải qua các ngạch Thẩm phán thấp trước khi được bổ nhiệm ở ngạch cao hơn, như vậy mới có kinh nghiệm và năng lực khi xét xử những vụ, việc phức tạp đòi hỏi năng lực, trình độ của Thẩm phán.

- Về quản lý Hội thẩm nhân dân (Điều 84): Các đại biểu đều nhất trí, Hội thẩm nhân dân do Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hiệp thương, giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, Toà án nhân dân cùng cấp thực hiện việc quản lý và phân công nhiệm vụ để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hội thẩm nhân dân.

- Về tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán: Cũng như dự thảo Luật Tổ chức VKSND, các đại biểu đề nghị không nên quy định trong luật mà để văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp, đảm bảo sự thống nhất.

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Thân Văn Khoa đánh giá cao sự chuẩn bị và sự tích cực tham gia đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào Quý IV năm 2014./.

                                                                Nguyễn Trường Thọ

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,057,042
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.137.170.76

    Thư viện ảnh