Vừa qua, Phòng TKTP và CNTT đã phối hợp với một số đơn vị trong ngành tổ chức thử nghiệm truyền hình trực tuyến phiên tòa rút kinh nghiệm gồm: VKSND huyện Việt Yên, Tân Yên, TP Bắc Giang và phòng 2 Viện KSND tỉnh. Qua thử nghiệm thấy công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên một số đơn vị bố trí hệ thống âm thanh chưa hợp lý, còn thiếu âmly, mic dây, mic cầm tay, dây đấu nối…Để đảm bảo chất lượng truyền hình trực tuyến phiên tòa rút kinh nghiệm, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm về công tác tổ chức cũng như kỹ thuật truyền hình như sau:
( Hình ảnh phiên tòa trực tuyến tại VKSND huyện Việt Yên)
1. Công tác chuẩn bị:
- Chuẩn bị về tổ chức phiên tòa:
Đơn vị tổ chức cần chủ động ban hành giấy mời họp trực tuyến gồm các nội dung: Tên vụ án, Thẩm phán, KSV; thời gian, địa điểm mở phiên tòa, thành phần tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến tại các điểm cầu; thời gian kiểm tra test thử (đối với VKS cấp huyện). Ít nhất trước 3 ngày mở phiên tòa, đơn vị chủ trì cần có báo cáo bằng văn bản gửi lãnh đạo Viện tỉnh để chỉ đạo và Văn phòng Viện tỉnh, Phòng TKTP và CNTT để phối hợp thực hiện.
Cung cấp tài liệu phiên tòa trực tuyến: Đơn vị chủ trì gửi tài liệu phiên tòa bằng hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc hoặc gửi thư điện tử cho Ban biên tập để đăng tải tài liệu lên Trang tin điện tử.
- Chuẩn bị về trang thiết bị: Hệ thống truyền hình trực tuyến được lắp đặt tại trụ sở Tòa án nơi phiên tòa diễn ra. Trước khi chuẩn bị đơn vị chủ trì cần khảo sát:
Mạng viễn thông nơi tổ chức phiên tòa có ổn định không ? Cán bộ kỹ thuật dùng máy tính xách tay, phần mềm truyền hình để kiểm tra tốc độ dow-upload. Tốc độ phải đảm bảo đầu vào, đầu ra ít nhất là 128kbps. Khảo sát điểm nối Internet của Tòa án đến máy tính xách tay đặt tại hội trường xét xử, chuẩn bị dây nối (dây nhẩy) để kết nối kiểm tra tốc độ mạng.
Thiết bị âm thanh: Thiết bị âm thanh cần phải có gồm: 01 âm ly, hệ thống loa hội trường, mic có dây, mic không dây đủ để đảm bảo cho KSV, HĐXX, bị cáo, bị hại, những người tham gia..dùng mic nói. Qua kinh nghiệm tổ chức các phiên tòa, thì cần 5 mic có dây cho HĐXX, 1 mic có dây cho bị cáo, 1 mic có dây cho luật sư, Ít nhất 1 mic không dây cho bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tổng số 8 mic.
Máy tính và thiết bị truyền hình gồm: Máy tính xách tay, Camera, tai nghe (nếu cần).
2. Kỹ thuật lắp đặt truyền hình trực tuyến tại phiên tòa
Qua khảo sát một số Tòa án nhân dân cấp huyện thấy hệ thống âm thanh (âm ly + loa) mỗi đơn vị không giống nhau. Một số âm ly có 4, 8 cổng để cắm mic, thường chỉ có HĐXX, bị cáo, thư ký có mic. Do vậy, khi thực hiện truyền hình phiên tòa trực tuyến Viện kiểm sát cấp huyện gặp không ít khó khăn về cách thức bố trí thiết bị thu âm thanh. Nếu dùng mic đa hướng ( đề án cấp) để thu lại âm thanh hội trường thì tiếng bị ồn và lẫn nhiều tạp âm, tiếng không trong, khó nghe. Nếu cắm máy tính xách tay thu trực tiếp từ âm li thì không đủ mic. Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi xin giới thiệu một số thiết bị và cách cắm tốt nhất mà không phụ thuộc vào chủng loại, thiết bị âm thanh của Tòa. Hình thức bố trí này đã được chúng tôi thử nghiệm tại phiên tòa do VKSND thành phố Bắc Giang và Phòng 2, VKSND tỉnh tổ chức.
Tên thiết bị đã dùng thử, chất lượng tốt gồm:
(+) Mixer 12 cổng: nhãn hiệu ED 120 có chức năng chia cổng mic từ âm li, đấu nối được 12 mic dây, điều chỉnh âm lượng từng mic. Sản phẩm trên thị trường có giá khoảng 1.500.000 đ.
( Các cổng cắm mic dây để nói)
(+) Mic dây: Shuare 28A dùng để cắm vào Mixer ED 120.
(Sản phẩm trên thị trường có giá từ 300.000đ - đến 400.000đ/chiếc tùy theo loại. Mỗi đơn vị cần từ 7-8 mic có dây)
(+) Mic không dây:nhãn hiệu Shure Lx88-II Dual channel wireless.
(Sản phẩm trên thị trường có giá khoảng 1.000.000đ, 1 bộ gồm 2 mic cầm tay không dây)
Ngoài ra đơn vị có thể tận dụng âm thanh sẵn có hoặc trang bị mới, cách đấu âm thanh phiên tòa theo sơ đồ sau:
( Sơ đồ đấu nối bộ mixe ED 120 và mic không dây Shure Lx88-II )
( dây tín hiệu âm thanh cắm giữa mic máy tính và âm ly theo sơ đồ 2)
( Sơ đồ 2,3 dùng đấu nối âm thanh với các thiết bị thông thường. Dây tín hiệu nối giữa máy tính và âm ly với đầu giắc cắm khác nhau, lưu ý cổng máy tính là mic, còn cổng âm ly là cổng ra Output )
(Dây dùng để cắm sơ đồ 3 - còn gọi là giây loa)
3. Kỹ thuật kiểm tra
Sau khi lắp đặt xong cán bộ kỹ thuật kiểm tra các phần sau:
- Kiểm tra âm thanh hội trường: nói thử các mic xem đã ra loa hội trường chưa ? điều chỉnh mức độ âm vừa phải đủ nghe.
- Kiểm tra “phần cứng”: Mở phần mềm truyền hình Clou ra, chọn mục “ phần cứng” lần lượt kiểm tra loa ra (có thể dùng loa máy tính xách tay hoặc tai nghe để kiểm tra- lưu ý truyền hình phiên tòa không được phát âm thanh ra bên ngoài); kiểm tra mic có dây, mic không dây xem đã có tín hiệu vào phần mềm chưa? Kiểm tra tốc độ mạng, mức độ âm lượng to nhỏ.
- Kiểm tra kết nối truyền hình với các điểm khác để thử. Thông thường VKS tỉnh sẽ chủ trì tổ chức kiểm tra kỹ thuật trước phiên tòa, trung tâm điều kiển phiên tòa và phiên họp rút kinh nghiệm sẽ ở điểm VKS tỉnh. Qua kiểm tra cán bộ kỹ thuật đơn vị chủ trì thực hiện các thao tác theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ở điểm VKS tỉnh.
4. Kỹ thuật điều hành truyền hình trực tuyến
Cán bộ kỹ thuật truyền hình tại phiên tòa cần có 2 người, một cán bộ kỹ thuật chính điều khiển, một cán bộ phụ giúp chuyển mic không dây cho người phát biểu. Cán bộ kỹ thuật điều khiển cần tắt loa máy tính, hoặc dùng tai nghe cắm vào máy tính không để âm thanh phát ra ngoài; dùng điều khiển camera để quay các góc hình theo diễn biến phiên tòa; kịp thời điều chỉnh và xử lý sự cố kỹ thuật theo sự chỉ dẫn của điểm cầu chính, hạn chế điều chỉnh khi đã kiểm tra xong trước khi phiên tòa diễn ra. Kết thúc phiên tòa cán bộ kỹ thuật đem toàn bộ trang thiết bị về lắp tại hội trụ sở đơn vị mình để họp rút kinh nghiệm. Kỹ thuật truyền hình buổi họp rút kinh nghiệm được tổ chức như hội nghị trực tuyến thông thường.
Trên đây là một số kinh nghiệm công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến với phần mềm truyền hình đám mây CVC, chúng tôi chia sẻ để các đồng chí, đồng nghiệp tham khảo.
Nhữ Dũng