Trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì yếu tố chủ quan phản ánh ý trí, mục đích của người phạm tội vì vậy cần phải làm rõ ý thức chủ quan để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Nông Văn S là một thanh niên dân tộc Tày, sống ở bản M, xã X, huyện Y thuộc vùng sâu, vùng xa. Sau khi học hết cấp II, S đi nghĩa vụ quân sự và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, S trở về địa phương và được nhân dân bầu giữ chức trưởng bản.
Năm 2004, Nhà nước có chính sách cho dân vay vốn để phát triển kinh tế theo mô hình V.A.C. Ngân hàng nông nghiệp huyện Y đã về xã X họp bàn với chính quyền và đoàn thể xã hội để cho nhân dân được vay vốn với hình thức tín chấp. Thời hạn vay sử dụng vốn là 3 năm với lãi suất thấp để khuyến khích người dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Các trưởng thôn, bản đã thống kê danh sách những hộ có nhu cầu vay vốn và UBND xã xác nhận.
Sau khi được họp bàn, S đã về họp dân để triển khai và lập danh sách những hộ có nhu cầu vay vốn. Có 30 hộ đăng ký vay vốn với số tiền 3 triệu đồng/01 hộ, trong đó gia đình nhà S cũng vay. S đem danh sách lên UBND xã xác nhận rồi đứng ra ký nhận tiền với Ngân hàng huyện Y cho cả 30 hộ. Sau khi nhận tiền, S đem tiền về trả cho từng hộ và có chữ ký xác nhận tiền của các hộ.
Quá trình sử dụng vốn vay, các hộ đều chấp hành đúng chính sách của Nhà nước đã trả lãi hàng tháng cho Ngân hàng. S là người trực tiếp đi thu và ký trả tiền lãi cho Ngân hàng.
Chưa hết hạn 3 năm thì có một số hộ gia đình không có nhu cầu vay vốn nữa nên đã thông qua S trả tiền Ngân hàng. S nhận tiền nhưng đã không trả ngay cho Ngân hàng mà giữ lại để làm vốn phát triển kinh tế gia đình mình. Hàng tháng, S vẫn trả cho Ngân hàng tiền lãi suất theo quy định. Khi cán bộ Ngân hàng phát hiện S sử dụng đồng vốn đó đã báo với chính quyền và cơ quan Công an.
Công an huyện Y đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nông Văn S về tội “Tham ô tài sản”theo Điều 278 Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân huyện Y sau khi nghiên cứu hồ sơ chưa thống nhất được quan điểm trong việc xác định hành vi của S có phạm tội hay không, cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất: S là chủ thể đứng ra thay mặt cho 30 hộ vay vốn, ký vay tiền của Ngân hàng đã được chính quyền cho phép, hành vi này được pháp luật công nhận và bảo vệ. S phải chịu trách nhiệm bảo toàn đồng vốn của 30 hộ với Ngân hàng nên hàng tháng S thu đủ số lãi và trả Ngân hàng đầy đủ. Do vậy S không có tội.
- Quan điểm thứ hai: Hành vi của S là có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”. Vì S là người có chức vụ và đứng ra ký nhận vay tiền thay các hộ gia đình, cá nhân mỗi hộ gia đình phải chịu trách nhiệm trước Ngân hàng. S chỉ là trung gian khi nhận tiền các hộ trả lại thì S phải trả ngay cho Ngân hàng chứ không được quyền giữ lại để sử dụng cá nhân mình kể cả sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế.
- Quan điểm của tác giả: Đồng ý với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ: S là người đại diện chịu trách nhiệm ký nhận tiền với Ngân hàng đã được pháp luật bảo vệ. Nếu hết thời hạn vay vốn mọi người trả mà S giữ lại không trả Ngân hàng thì mới có tội. Trong trường hợp này chưa hết thời hạn sử dụng tiền vốn tức là quan hệ hợp đồng chưa chấm dứt, S vẫn có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng tức là vẫn có quyền giữ lại số tiền vốn đó để phát triển kinh tế gia đình mình và vẫn thực hiện nghĩa vụ trả lãi cho Ngân hàng theo tháng. S khai ý thức của S chỉ là tranh thủ đồng vốn sẵn có để chăn nuôi phát triển kinh tế, khi hết hạn sẽ trả đủ cho Ngân hàng chứ không có ý thức chiếm đoạt số tiền đó.
Đề nghị các độc giả cùng cho quan điểm tham khảo để đi đến thống nhất việc áp dụng pháp luật.
Nguyễn Đình Điển