Trao đổi nghiệp vụ trong công tác xử lý tang, tài vật đối với bị can, bị cáo phạm tội.
Khoảng 18 giờ ngày 20 tháng 5 năm 2014, Nguyễn Thanh H- sinh năm 1990, trú tại xã C, huyện X. Sau khi đi phu hồ về nhà thì có người bạn cùng xóm điện thoại hẹn tối đi đánh phỏm cho vui.
Đến 20 giờ cùng ngày, H điều khiển chiếc xe mô tô biển kiểm soát 98H-0311 đi đến nhà Hoàng Thanh M- sinh năm 1990 ở cùng xóm thì đã có 05 người bạn với H đều là người trong xã đang ngồi uống nước cùng M. Trong khi uống nước thì Nguyễn Văn C là người gọi điện cho H trước đó có nói “ngồi chơi không chán lắm, đánh bài giải trí cho vui” và được mọi người đồng ý. M là chủ nhà chạy ra quán nước ngoài cổng mua bộ bài tú lơ khơ đem về, C trải chiếu. Sau đó H, M, C và T ngồi đánh phỏm, thống nhất mức đặt cược được thua 5.000đ, 10.000đ, 15.000đ và ù là 30.000đ. Số người còn lại chỉ ngồi xem không tham gia đánh bạc.
Khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, trong lúc đang sát phạt thì cả nhóm bị Công an xã C và huyện X đi tuần tra bắt được lập biên bản phạm tội quả tang. Số tiền cơ quan Công an thu được trên chiếu bạc là 1.500.000đ, khám thu ở túi quần 4 đối tượng đánh bạc được tổng số tiền 700.000đ. Ngoài ra còn thu giữ 03 chiếc xe mô tô gồm 01 chiếc xe của H, 01 chiếc xe của C và 01 chiếc xe của T.
Tại Cơ quan điều tra, bốn đối tượng trên đều khai nhận thành khẩn hành vi đánh bạc và cũng đã xác định số tiền tổng thu được 700.000đ của 4 đối tượng đều sử dụng vào việc đánh bạc.
Như vậy đã có đủ cơ sở để xử lý khởi tố H, C, T, M về tội “Đánh bạc” theo Khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự.
Đối với 03 chiếc xe mô tô thu của H, C và T, Cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ chiếc xe mô tô biển kiểm soát 98H1-0311 là của bị can H (đăng ký xe chính chủ) là do vợ chồng H cùng bỏ tiền ra mua để làm phương tiện sử dụng chung đi lại hàng ngày. 02 chiếc xe mô tô còn lại chứng minh là xe của C và của T đi đến nhưng đăng ký xe mang tên bố đẻ của C và của T do C và T mượn để đi chơi.
Ảnh minh họa ( nguồn Internet)
Quá trình xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát huyện X thống nhất trả hai chiếc xe mô tô này vì lý do hai chiếc xe mô tô này thuộc quyền sở hữu của bố đẻ của C và bố đẻ của T, khi T và C mượn xe đi không nói cho các ông biết là đi đánh bạc. Riêng chiếc xe mô tô của H không được trả lại vẫn bị thu giữ với lý do xe đăng ký mang tên chính chủ H để chờ kết quả xét xử của cơ quan Tòa án. Từ đó nảy sinh những quan điểm trái chiều.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chiếc xe mô tô của H thì H là chủ sở hữu, H đi đến địa điểm đánh bạc mục đích để đánh bạc thì coi đó là phương tiện chở H đi phạm tội cần phải tịch thu để sung công quỹ Nhà nước.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Chiếc xe mô tô là phương tiện đi lại hàng ngày của vợ chồng H. Mặc dù xe đăng ký chủ xe mang tên H nhưng nguồn gốc để có chiếc xe đó là có cả tiền của vợ H bỏ ra. Vì vậy, phải xác định đây là tài sản chung nên không thể tịch thu chiếc xe mô tô này được. Tuy H đi đánh bạc nhưng không xác định H dùng chiếc xe mô tô này vào việc phạm tội, không xác định chiếc xe mô tô là phương tiện phạm tội thuộc trường hợp quy định ở Điểm a Khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự.
Trường hợp này hoàn toàn khác với các trường hợp chuyên dùng xe mô tô để đi mua bán ma túy, trộm cắp chó hay đi cướp giật…..
Rất mong các độc giả cùng trao đổi, chia sẻ quan điểm để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và đúng quy định./.
Nguyễn Đình Điển