.

Thứ bảy, 04/05/2024 -11:07 AM

Cần thi hành án đối với tài sản nào?

 | 

Qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự cho thấy, do có nhiều cách hiểu về bản án tuyên khác nhau nên trong quá trình tổ chức thi hành án sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Xin nêu cụ thể một việc thi hành án đã xảy ra trên thực tế để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, trao đổi.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Năm 2012, Ngân hàng thương mại cổ phần AA- chi nhánh Bắc Giang (gọi tắt là Ngân hàng) cho Công ty TNHH AB (gọi tắt là Công ty AB) do ông Nguyễn Văn B- Giám đốc đại diện theo pháp luật vay số tiền 1,5 tỷ đồng theo hợp đồng vay tín dụng số 007/12/TL/BG. Để đảm bảo cho các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng tín dụng này, Công ty AB đã dùng tài sản của bên thứ ba là Công ty N (có hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng - Công ty N -Công ty AB) để bảo đảm cho khoản vay này, cụ thể tài sản thế chấp là quyền sử dụng 400 m2 đất (thửa đất này đứng tên chủ sử dụng hợp pháp là Công ty N).

Hết kỳ trả nợ, Công ty AB không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ cho Ngân hàng. Tháng 12/2012, Ngân hàng có đơn khởi kiện gửi Tòa án yêu cầu Công ty AB thực hiện nghĩa vụ trả nợ toàn bộ số tiền gốc và lãi.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều quyết định: “… Buộc Công ty AB phải trả cho Ngân hàng số tiền là 1.600.800.000 đồng và chịu lãi phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thi hành án xong, nếu Công ty AB không trả đủ số tiền gốc và lãi nêu trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của Công ty N là quyền sử dụng đất 400m2”

Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng, Chi cục thi hành án dân sự huyện A đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu để thi hành đối với khoản nợ trên. Trong quá trình tổ chức thi hành bản án có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định lấy tài sản nào để kê biên tài sản, phát mại thi hành án:

Quan điểm thứ nhất: Công ty AB phải dùng tài sản của mình trả nợ cho Ngân hàng nếu không trả đủ thì Ngân hàng mới có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của Công ty N.

Quan điểm thứ hai: tiến hành kê biên để phát mại tài sản thế chấp của Công ty N (là quyền sử dụng 400m2 đất. Vì lý do: Công ty N đã dùng số tài sản này để bảo đảm cho các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng tín dụng, khi hợp đồng tín dụng không thực hiện đúng cam kết thì phải phát mại tài sản đã thế chấp nhằm bảo đảm cho hợp đồng.

Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của Quý vị độc giả./.

Nguyễn Thị Thủy -P10

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,831,366
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.223.172.224

    Thư viện ảnh