ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 10/01/2025 -21:59 PM

Hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở tỉnh Bắc Giang

 | 

Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần giải quyết tốt vụ án mà còn có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.

Hiện nay, tội phạm ma túy tại địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số người phạm tội với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi: Đối tượng tham gia mua bán các chất ma túy hầu hết là người nghiện, đã có tiền án, tiền sự, liên lạc với nhau qua điện thoại di động và chỉ bán ma túy cho người quen biết, chia ma túy thành những lượng nhỏ để dễ che giấu và luôn thay đổi địa điểm giao nhận hoặc tổ chức những đường dây khép kín để vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn nên gây ra nhiều khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ và xử lý của các cơ quan chức năng.

Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Cơ quan điều tra hai cấp tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và khởi tố điều tra 508 vụ/704 bị can, thu giữ 133.593.625g heroin; 5.484.567g ma túy tổng hợp; 5 xe ô tô các loại; 72 xe mô tô; 4 khẩu súng, 90 viên đạn và nhiều công cụ, phương tiện khác liên quan.

Các vụ án đã khởi tố, điều tra đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có vụ án hoặc bị can nào sau khi khởi tố, điều tra phải đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm, không có vụ án nào sau khi kết thúc điều tra phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết quả đó khẳng định: Chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra và công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra 2 cấp trong công tác điều tra các vụ án ma túy có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong công tác phối hợp với Cơ quan điều tra, ngày 20/4/2011 Phòng 2- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và Phòng PC47- Công an tỉnh Bắc Giang đã thống nhất ký và ban hành Quy chế phối hợp số 01/QCPH/P2-PC47 ngày 20/4/2011 trong công tác phối hợp điều tra các vụ án ma túy. Nội dung của Quy chế đảm bảo cơ chế cho hai cơ quan phối hợp một cách toàn diện trong suốt quá trình điều tra vụ án, từ khi tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác tội phạm đến khi kết thúc điều tra vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo … Trong mỗi giai đoạn điều tra có những đặc thù khác nhau, do vậy công tác phối hợp giữa hai cơ quan cũng phải có những nội dung khác nhau, nội dung phối hợp đó phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và những diễn biến cụ thể trong quá trình giải quyết vụ án, có như vậy mới mang lại hiệu quả. Trong quá trình phối hợp với Cơ quan điều tra để giải quyết các vụ án ma túy, chúng tôi thấy công tác phối hợp tuyên truyền trong quá trình giải quyết các vụ án là khó khăn nhất, phức tạp nhất vì đối tượng tuyên truyền là các tội phạm cụ thể không những mang trong mình tâm lý tội phạm mà còn là những tội phạm có nhiều tiền án, tiền sự, có nhiều thủ đoạn phạm tội, chấp nhận “trả giá”   để thực hiện hành vi phạm tội đến cùng … do vậy đến khi bị bắt những đối tượng này thường có những diễn biến tâm lý rất phức tạp. Có đối tượng thì nổi máu “yêng hùng” dám làm, dám chịu; có đối tượng sau khi bị bắt thì bi quan, chán nản, không ăn, không ngủ, không hợp tác với Cơ quan điều tra và luôn tìm mọi cách để tự sát. Hoặc có đối tượng không những không nhận tội mà còn chống đối đến cùng … Chính vì những khó khăn phức tạp đó, trước một tình huống cụ thể, một đối tượng phạm tội cụ thể, Lãnh đạo hai đơn vị, cùng điều tra viên, kiểm sát viên đã phối hợp thực hiện tuyên truyền, thuyết phục để người phạm tội hợp tác với Cơ quan điều tra nhằm giải quyết vụ án. Trong quá trình phối hợp tuyên truyền trong giải quyết các vụ án ma túy, chúng tôi đã tuyên truyền và giải quyết được nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp cụ thể như sau:

* Tuyên truyền để đối tượng nhận tội và khai báo các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy

Trong số các đối tượng Cơ quan điều tra đã bắt, tạm giữ về tội phạm ma túy, nhiều đối tượng có thái độ chống đối quyết liệt, không khai báo, hoặc khai báo không thành khẩn nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình và đồng phạm, thậm chí có đối tượng còn đe dọa, thách thức điều tra viên … Trước những đối tượng như vậy, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo hai phòng, điều tra viên, kiểm sát viên phối hợp xây dựng kế hoạch để đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng và các đồng phạm với phương châm vừa kiên quyết đấu tranh vừa kiên trì tuyên truyền, thuyết phục. Với phương pháp như vậy, hai cơ quan đã tuyên truyền giác ngộ nhiều đối tượng không những đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình mà còn khai báo đường dây đã mua bán trái phép chất ma túy.

Ví dụ: Ngày 12/7/2013 trên đường tỉnh lộ 37 đoạn thuộc xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, Phòng PC47- Công an tỉnh Bắc Giang bắt quả tang Bùi Văn Thắng, sinh năm 1993 ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng đang thực hiện hành vi mua bán trái phép 79,027g Methamphetamine, sau khi bị bắt Thắng chỉ thừa nhận đi bán số ma túy trên, ngoài ra không khai nhận gì khác có liên quan đến ma túy như nguồn gốc số ma túy, người mua ma túy là ai … Trước thái độ của đối tượng như vậy, chúng tôi tìm hiểu kỹ lai lịch của đối tượng như: nhân thân, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ của đối tượng trước khi bị bắt … Sau khi có được những thông tin trên, xác định Thắng là một mắt xích trong đường dây bán lẻ ma túy tổng hợp trên địa bàn, đối tượng còn trẻ, chưa có tiền án, tiền sự do vậy chúng tôi đã cho những Điều tra viên, Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm, có nhiều tuổi đời, tuổi nghề tập trung vận động, thuyết phục đối tượng. Kết quả đối tượng đã khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình và các đồng phạm khác. Từ lời khai của Thắng, Cơ quan điều tra xác định được đây là vụ án có tổ chức với nhiều bị can ở nhiều tỉnh khác nhau tụ tập về Bắc Giang tổ chức một đường dây bán lẻ ma túy tổng hợp. Cơ quan điều tra đã khởi tố đối với 14 bị can, đến nay vụ án đã đưa ra xét xử.

Tiêu hủy 62 bánh Hêrôin tang vật vụ án ma túy ở Bắc Giang

* Phối hợp tuyên truyền chống các bị can tự sát

Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên thực tế giải quyết các vụ án ma túy, chúng ta thường thấy các đối tượng mua bán ma túy lớn khi bị phát hiện vây bắt thường chống đối các lực lượng truy bắt một cách quyết liệt, sau khi bị bắt thì tư tưởng của những đối tượng này thường diễn biến rất phức tạp nhưng thường thì các đối tượng này biểu hiện tiêu cực nhiều hơn vì biết trước mức án khi xét xử sẽ là tử hình. Các biểu hiện thường bộc lộ ra bên ngoài như bi quan, chán nản, không ăn, không ngủ, đập đầu vào tường, dùng vật sắc cắt tĩnh mạch cổ tay, treo cổ...   

Ví dụ: Vụ Nguyễn Duy Biên, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội vận chuyển trái phép 58 bánh heroin. Vụ Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1952, trú quán tại xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên mua bán trái phép 230 bánh heroin. Vụ Lê Quang Đông, sinh năm 1971, trú tại xã Lâm Sơn, huyện Cương Sơn, tỉnh Hòa Bình lại bị bắt quả tang đang vận chuyển 140 bánh heroin … Để giải tỏa tâm lý cho các đối tượng này từ bỏ ý định tự sát là cả một quá trình kiên trì vận động, thuyết phục. Trường hợp đối tượng Lê Quang Đông, chúng tôi đã mất rất nhiều công sức nhưng đối tượng vẫn một mực khước từ để tìm đến cái chết. Sự việc đi vào bế tắc thì chúng tôi phát hiện đối tượng này đang chung sống như vợ chồng với Nguyễn Thị Thủy ở TP Thái Nguyên và đã có một con chung 2 tuổi, đối tượng rất thương con, chúng tôi đã dựa vào khía cạnh này để thuyết phục đối tượng, kết quả Đông đã từ bỏ ý định tự sát và khai báo ra bảy đối tượng khác cùng trong đường dây mua bán ma túy.

* Bài học kinh nghiệm và kiến nghị:

Trong quá trình phối hợp với Cơ quan điều tra thực hiện tuyên truyền phòng chống ma túy trong điều tra các vụ án, chúng tôi xác định công tác tuyên truyền là công tác quan trọng và xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án, chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền thì không những bị can, bị cáo “tâm phục, khẩu phục” mà còn giải quyết được cả vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chống bức cung, nhục hình …

Để tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân, tôi đề nghị:

Tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là cấp phường, xã, thị trấn cùng với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn. Chú trọng công tác quản lý hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện, mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là việc xây dựng những chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện và mãn hạn tù có việc làm, chống tái nghiện, tái phạm. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống ma túy.

Cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống ma túy, sửa đổi một số điều luật quy định về tội phạm ma túy không còn phù hợp với thực tế, cụ thể cần sửa đổi Điều 192, 196 Bộ luật hình sự và Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCB-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định về việc xử lý các hành vi phạm tội về ma túy trong một điều luật.

Chính phủ cần nghiên cứu tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống ma túy, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với lực lượng làm công tác này để kịp thời động viên, khích lệ yên tâm công tác./.

Giáp Văn Thơ

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,057,192
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.113.73

    Thư viện ảnh