45 ngày - thời gian chưa phải là dài để đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ hiệu quả của một chương trình, đề án. Nhưng, những kết quả bước đầu của Hệ thống Truyền hình Hội nghị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang đã đem lại trong thời gian qua rất đáng ghi nhận.
Đ/c Trần Sỹ Thanh- UVDKBCHTW, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang, đ/c Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSNDTC, Đ/c Vũ Mạnh Thắng - Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang nhấn nút khai trương Hệ thống
Ngày 11/6/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang chính thức khai trương “Hệ thống truyền hình Hội nghị” với các điểm cầu tại Viện Kiểm sát tỉnh và 10 Viện Kiểm sát huyện, thành phố. Đây là một trong những bước đột phá của ngành Kiểm sát Bắc Giang nhằm thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 05/11/2012 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, đồng thời cũng là bước đi góp phần hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa. Kể từ khi ứng dụng Hệ thống Truyền hình hội nghị đến nay, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã tổ chức được 05 hội nghị trực tuyến và 02 phiên toà rút kinh nghiệm với sự tham gia của tất cả các điểm cầu trong tỉnh.
Nếu như trước đây, để tổ chức một hội nghị từ quy mô nhỏ 5 đến 7 người đến quy mô lớn hơn vài chục người, chúng ta đều phải thực hiện rất nhiều bước chuẩn bị như xác định địa điểm tổ chức, thành phần tham dự, phát hành giấy mời (triệu tập), trang trí khánh tiết, chuẩn bị kinh phí tổ chức...trước ngày tổ chức hội nghị ít nhất 3 ngày làm việc. Nhưng đến nay, với Truyền hình hội nghị, thời gian để thực hiện các công việc trên có thể rút ngắn đến mức tối đa, thậm chí chỉ cần trước một vài giờ khi Hội nghị bắt đầu, nhưng mục đích của hội nghị vẫn đạt được. Hiệu quả của Truyền hình hội nghị, phiên toà rút kinh nghiệm vừa qua có thể thấy trên các mặt như sau:
Hiệu quả về mặt thời gian: Ngoài việc tiết kiệm được thời gian chuẩn bị, thời gian để thực hiện các nội dung của hội nghị cũng đã được rút ngắn tối đa, phát huy được nhiều yếu tố tích cực. Điển hình như Hội nghị họp Ban ra đề, đáp án thi tuyển tạo nguồn Kiểm sát viên ngày 22/7/2014 do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức. Thời gian tổ chức Hội nghị chỉ được thông báo trước hơn 2 giờ với thành phần tham gia là Lãnh đạo ở Viện Kiểm sát tỉnh và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân các huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Dũng; thời gian diễn ra Hội nghị chỉ khoảng 1,5 giờ, nhưng nếu tổ chức hội nghị trực tiếp thì ít nhất phải mất 1/2 ngày, chưa kể thời gian đi lại của các đại biểu. Mặt khác, ngay sau kết thúc hội nghị, các thành phần tham gia lại có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình tại đơn vị.
Hiệu quả tiếp nhận thông tin: Vì nhiều lý do khác nhau, thành phần tham dự các hội nghị trực tiếp thường chỉ gồm lãnh đạo các đơn vị. Do đó, các đối tượng khác chỉ được tiếp nhận thông tin thông qua hội nghị do lãnh đạo đơn vị mình tổ chức sau đó, lúc này thông tin có thể sẽ không đầy đủ, thậm chí thiếu chính xác, không kịp thời. Với Truyền hình hội nghị, thành phần tham gia là không hạn chế, nên đối tượng tiếp cận được mở rộng, nội dung thông tin được tiếp nhận một cách trực tiếp, đầy đủ, chính xác và rất sinh động. Điều này góp phần rất lớn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong ngành. Điển hình như Hội nghị triển khai thi hành luật đất đai, phiên toà rút kinh nghiệm do Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên tổ chức ... .
Các đại biểu tại VKS cấp huyện theo dõi truyền hình trực tuyến phiên tòa và họp rút kinh nghiệm
Hiệu quả trong giao tiếp, hình thành kỹ năng diễn đạt, thể hiện ý tưởng ...: Khi tham gia Truyền hình hội nghị với nhiều đối tượng tham gia (nhất là các cán bộ trẻ), các đại biểu được nghe trực tiếp lãnh đạo cấp trên, lãnh đạo các đơn vị khác, các đồng nghiệp, bạn bè của mình phát biểu, bày tỏ quan điểm, nhận xét đánh giá về một vấn đề nào đó. Khi nghe, chứng kiến trực tiếp, sẽ giúp cho họ có nhận xét, đánh giá của riêng mình về nhiều vấn đề khác nhau, từ đó hình thành kinh nghiệm, kỹ năng diễn đạt, kỹ năng thực hiện ý tưởng của riêng mình. Điển hình như Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2014, Hội nghị tập huấn kỹ năng viết tin, bài... .
Hiệu quả về sự thành công của hội nghị: Qua Truyền hình hội nghị, việc đóng góp trí tuệ của mỗi cá nhân cho sự thành công của Hội nghị cũng là vấn đề cũng đã được nhìn thấy, đại biểu tham dự có thể ngồi ngay tại phòng làm việc của mình với đầy đủ các trang thiết bị, tài liệu nghiên cứu để dẫn chứng, minh hoạ cho ý kiến phát biểu của mình, giúp cho ban tổ chức hội nghị có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về lĩnh vực, chủ trương cần triển khai, quán triệt.
Hiệu quả về kinh tế: Từ thực tế vị trí địa lý của các đơn vị trong tỉnh, với khoảng cách trung bình từ các đơn vị cấp huyện đến Viện Kiểm sát tỉnh khoảng 25km, chỉ tính riêng chi phí công tác phí theo quy định hiện hành đã mất hơn 100.0000đ/một đại biểu, như vậy trung bình mỗi đơn vị có 03 đại biểu thì chi phí cho mỗi Hội nghị trực tiếp là khoảng 300.000đ/một đơn vị, một con số cũng không phải là nhỏ trong điều kiện ngân sách hạn chế như hiện nay. Việc sử dụng, kết nối phần mềm cũng rất đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện được khi được hướng dẫn.
Với những hiệu quả thực tế của Truyền hình hội nghị như đã nêu trên, có thể nói rằng, chỉ sau 45 ngày khai trương, bước đầu Hệ thống Truyền hình Hội nghị của ngành Kiểm sát Bắc Giang đã đem đến nhiều hiệu quả thiết thực, khẳng định một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế phát triển chung của xã hội. Trong thời gian tới, nếu chúng ta tiếp tục khai thác tối đa các tiện ích khác của Hệ thống, tôi tin rằng, hiệu quả của Truyền hình Hội nghị sẽ không dừng lại ở đó. Có thể nói, đây là một trong những thành tích nổi bật của Ngành Kiểm sát Bắc Giang để chào mừng Kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân 26/7/1960 - 26/7/2014./.
Nguyễn Trường Thọ