ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -06:41 AM

Vướng mắc trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp

 | 

Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ, việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vị đơn khởi kiện đơn yêu cầu đó. Căn cứ việc đương sự yêu cầu giải quyết vấn đề gì để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp. Việc xác định đúng, đầy đủ quan hệ pháp luật tranh chấp có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; các tài liệu chứng cứ cần thu thập; xác định đương sự của vụ án; xác định được căn cứ pháp luật cần áp dụng để giải quyết. Trên thực tế quan hệ pháp luật đa dạng, phức tạp nên việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp dựa vào yêu cầu của đương sự  trong một số trường hợp không hề dễ dàng, xảy ra nhiều khó khăn vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi xin nêu trường hợp cụ thể như sau:

Tháng 3/2012, bà A chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà C và cùng trong tháng 3/2012 bà C đã được UBND có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 11/2012, Chi cục thi hành án dân sự căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định kê biên quyền sử dụng đất mà bà C đã nhận chuyển nhượng từ bà A để đảm bảo thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01 ngày 15/02/2012 về việc thanh toán tiền vay nợ giữa bà A và bà D. Đồng thời Chi cục Thi hành án dân sự hướng dẫn bà C có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của mình.

Bà C cho rằng, bà đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà A; việc chuyển nhượng là hợp pháp; khi nhận chuyển nhượng diện tích đất của bà A không có tranh chấp; không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên bà C đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết việc Chi cục Thi hành án dân sự kê biên quyền sử dụng đất của bà.

Tòa án đã thụ lý yêu cầu khởi kiện của bà C và xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản”. Bị đơn là Chi cục thi hành án dân sự. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà A. Chi cục Thi hành án dân sự không đồng ý việc Tòa án xác định mình là bị đơn. Hiện vụ án đang bị tạm đình chỉ.

Việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp; ai là đương sự của vụ án này có nhiều quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất: Đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà C với bị đơn bà A theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự; Chi cục thi hành án dân sự là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

- Quan điểm thứ hai:  Hướng dẫn bà C yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự “Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bà C là người yêu cầu; bà A và Chi cục thi hành án dân sự là người liên quan

- Quan điểm thứ ba: Là vụ án “ Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” theo quy định tại khoản 10 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự; nguyên đơn là bà C; bị đơn là Chi cục thi hành án dân sự; bà A là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

- Quan điểm thứ tư: Là “Tranh chấp quyền sở hữu tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự; nguyên đơn là bà C; bị đơn là Chi cục thi hành án dân sự; bà A là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; và việc Tòa án thụ lý giải quyết vụ án là đúng.

Đơn vị nhất trí với ý kiến thứ ba. Tuy nhiên vụ án còn có quan điểm, ý kiến tranh luận khác nhau. Do vậy rất mong nhận được các ý kiến tham gia trao đổi của các đồng chí để việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật.

Trần Thị Bình

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,438,201
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.56.150

    Thư viện ảnh