ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -00:05 AM

Nhận diện một số thủ đoạn để hoãn thi hành án phạt tù và vai trò giám sát của Viện kiểm sát

 | 

Chế định về hoãn thi hành án phạt tù được quy định khá chi tiết, cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật thi hành án hình sự năm 2010 và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc trong chính sách hình sự của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tiễn quy định nhân đạo này đang có nguy cơ bị lạm dụng.

Liên tục sinh con làm “bình phong” để hoãn thi hành án

Đối với người phụ nữ, con cái là món quà vô giá mà ông trời ban tặng, không người mẹ nào không dành hết tình yêu thương, chăm sóc cho con mình, thậm chí có thể hy sinh vì con. Thế nhưng, với một số bị án thì khác, chuyện mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày chẳng qua chỉ phục vụ mục đích lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật, là mánh lới, chiêu trò thoát án phạt tù. Sau khi sinh, họ chẳng ngó ngàng gì đến con cái, bỏ mặc chúng cho ông, bà chăm sóc. Những người hàng xóm của bị án, dù chẳng máu mủ ruột già cũng thấy xót xa cho những đứa trẻ được sinh ra chưa chắc đã phải vì tình yêu thương...

Sinh con liên tục: Hoãn!

Với chính sách hình sự nhân đạo, pháp luật nước ta quy định: trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được hoãn chấp hành án cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Đây là một trong những trường hợp người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điều 61- BLHS. Lợi dụng chính sách này, nhiều bị án là phụ nữ cứ đủng đỉnh dùng thủ đoạn chửa, đẻ liên tục để được hoãn chấp hành án đã khiến các cơ quan tiến hành tố tụng rơi vào tình thế rất khó xử do bức xúc của dư luận, thậm chí một số trường hợp tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an.

... và những “bình phong” vô tội

Bản thân các bị án rồi sẽ phải trả giá cho tội lỗi mà mình gây ra bằng những năm tháng ngồi sau song sắt. Nhưng, những năm tháng “trả án” liệu có đủ để “trả giá” cho những thiếu hụt tình yêu thương của những đứa con thiếu mẹ? Hàng ngày, hình ảnh những đứa bé vô tư vui đùa mà chúng không biết trước tương lai rồi sẽ ra sao, khiến ông, bà của chúng không khỏi buồn lo, nhất là ở vào độ tuổi đã sắp “gần đất xa trời”.Những đứa trẻ vô tội được sinh ra trong những mưu mô, toan tính của các bị án hòng trốn tránh thi hành án, nhưng sự khoan hồng nào cũng có giới hạn. Với tội lỗi đã gây ra, những đứa trẻ không thể mãi là “bình phong” cứu rỗi các bị án khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Và giờ đây, những đứa trẻ sẽ lớn lên mà không có sự chăm sóc của bố mẹ, cuộc đời chúng sẽ ra sao…

( ảnh minh họa - nguồn Internet)

Giả ly hôn để tạo căn cứ là lao động chính duy nhất nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án

Lê Văn L, sinh năm 1972 trú tại xã M, huyện L bị Tòa án xử phạt 24 tháng tù giam về tội “Đánh bạc”, L có vợ và 02 con còn nhỏ đều đang độ tuổi đi học. Để được hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do là lao động duy nhất, L đã bàn bạc với vợ dùng thủ đoạn thuận tình ly hôn, thỏa thuận mỗi vợ chồng nhận nuôi 01 đứa con nhằm tạo căn cứ L là lao động chính duy nhất trong gia đình. Trên cơ sở thuận tình ly hôn của vợ chồng đương sự, Tòa án nhân dân huyện L đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Từ đó, L đương nhiên trở thành ông bố đơn thân, là lao động chính trong gia đình, một mình phải nuôi con nhỏ và chăm sóc mẹ già. Với lý do này, Lê Văn L đã được Tòa án cho hoãn thi hành án 02 lần đều với lý do là lao động chính duy nhất trong gia đình.

Nghi ngờ căn cứ mà Tòa án đã áp dụng để cho hoãn thi hành án đối với trường hợp của L, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đã trực tiếp tổ chức kiểm tra, xác minh tại địa phương và tại gia đình bị án. Kết quả cho thấy, trước và sau khi ly hôn vợ chồng bị án không hề có mâu thuẫn, vợ chồng vẫn yêu thương nhau, cùng ăn ở, sinh hoạt một nhà, chung sống hòa thuận, cùng nhau nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, mẹ già. Song, vợ chồng bị án đã tạo ra việc xin ly hôn giả với mục đích là để cho Lê Văn L được hoãn thi hành án. Quay trở lại quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân huyện L đối với vợ chồng Lê Văn L, kết hợp với các tài liệu kiểm tra, xác minh khác, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định này, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Kháng nghị của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận và Lê Văn L đã phải đi chấp hành án. Từ khi đi chấp hành án đến nay, bị án không có khiếu nại hay thắc mắc gì đối với quyết định của cơ quan chức năng.

Viện kiểm sát đã, đang và sẽ tiếp tục nghiêm túc, sát sao

Thực trạng công tác xét hoãn thi hành án phạt tù ở nhiều địa phương hiện nay đang có tình trạng buông lỏng, dễ dãi, tùy tiện. Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, trong những năm trở lại đây, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc hoãn chấp hành hình phạt tù. Đặc biệt là việc thông qua công tác kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật trong công tác hoãn chấp hành hình phạt tù của Tòa án hai cấp (tỉnh và huyện), liên ngành- trong đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là cơ quan được giao trách nhiệm chủ trì đã phát hiện nhiều trường hợp Tòa án cho các bị án được hoãn thi hành án với lý do là lao động duy nhất không đảm bảo căn cứ theo quy định của pháp luật như: Người thân của bị án bị các bệnh khớp, đau đầu mất ngủ, đau lưng, thoái hóa đốt sống cổ, vợ bị án đang mang thai dọa sảy, đã ly hôn vợ hoặc vợ bỏ đi đâu không rõ, không liên lạc được… bị án phải chăm sóc bố mẹ già, nuôi con còn nhỏ… cá biệt có trường hợp bị án bị kết án về tội rất nghiêm trọng nhưng vẫn được hoãn với lý do là lao động duy nhất. Hoặc nhiều trường hợp, Tòa án quyết định cho bị án (là phụ nữ) được hoãn thi hành án với lý do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nhưng thời gian các bị án được hoãn lại khá dài (thường là được hoãn cho đến khi con các bị án đủ 36 tháng tuổi), nhưng sau đó công tác xác minh, kiểm tra các căn cứ, điều kiện hoãn xem có còn hay không lại chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên. Từ đó dẫn đến việc ở nhiều địa phương đã có trường hợp bị án được hoãn thi hành án với lý do đang nuôi con nhỏ, nhưng sau đó vì một lý do nào đó con của bị án đã không còn ở với mẹ, do đó bị án đương nhiên không còn điều kiện để được hoãn thi hành án.

Với trách nhiệm của cơ quan có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp và là cơ quan chủ trì kiểm tra liên ngành nhiều năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã cùng liên ngành kiểm tra, phát hiện và yêu cầu hủy nhiều quyết định hoãn trái luật, đồng thời ra ngay quyết định thi hành án đối với các trường hợp được hoãn với lý do là lao động duy nhất, bắt các bị án phải đi chấp hành án.

Riêng đối với các trường hợp được hoãn thi hành án (với lý do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) trong một khoảng thời gian dài, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã trao đổi và lãnh đạo liên ngành đã thống nhất theo đề nghị của Viện kiểm sát là các Tòa án chỉ cho các bị án được hoãn với thời gian tối đa mỗi lần hoãn là 12 tháng. Và thực tế, từ năm 2012 trở lại đây nhiều trường hợp bị án có đơn xin hoãn thi hành án với lý do đang nuôi con nhỏ, sau khi kiểm tra, xem xét các tài liệu khác, xét thấy bị án có đủ điều kiện được hoãn, các Tòa án đã quyết định cho các bị án được hoãn với thời hạn hoãn mỗi lần từ 6 tháng đến 12 tháng. Với biện pháp tác động này, đồng thời kết hợp với việc thường xuyên chủ động tự mình xác minh hoặc phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức xác minh để kiểm tra về căn cứ, điều kiện hoãn thi hành án xem có còn hay không, Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh và huyện) ngành Kiểm sát Bắc Giang thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc khắc phục "lỗ hổng" trong công tác hoãn thi hành án phạt tù trường hợp đang nuôi con nhỏ và qua đây cũng một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong giai đoạn tố tụng hình sự cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng này để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồng Tuấn Anh

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,409,518
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.63.131

    Thư viện ảnh