.

Thứ sáu, 17/05/2024 -16:42 PM

Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 275 của Bộ luật Hình sự

 | 

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Thế nói riêng tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động có chiều hướng gia tăng, gây mất ổn định trật tự trị an, xã hội. Việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên đã bị một số đối tượng lợi dụng rủ rê, hứa hẹn công việc nhàn hạ lương lại cao rồi tổ chức đưa họ sang Trung quốc lao động qua các đường mòn khu vực biên giới phía Bắc. Những người vượt biên trái phép đi lao động phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như: bị người chủ sử dụng bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền lương, thậm trí còn bị xâm hại đến sức khỏe, nhân phẩm... Trước tình trạng đó, các ngành, các cấp huyện Yên Thế đã vào cuộc tuyên truyền nhằm hạn chế việc người dân nghe lời rủ rê, lôi kéo của kẻ xấu trốn sang Trung Quốc làm thuê trái phép đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý những đối tượng có hành vi phạm tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Trong tháng 5/2014 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thế đã điều tra làm rõ 2 đường dây tổ chức đưa người trái phép sang Trung Quốc lao động, đã khởi tố 02 vụ/05 bị can về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 của Bộ luật Hình sự. Qua thực tiễn giải quyết 02 vụ án nêu trên, chúng tôi đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc xin trao đổi cùng đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được chính xác, đúng pháp luật. Cụ thể  là:

Tội tổ chức, cưỡng ép người khác khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự, tại khoản 2, khoản 3 điều luật quy định:  

2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm”

Như vậy, các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Để hướng dẫn áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng này, ngày 04/8/2006,  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư Liên tịch số 09/TTLT hướng dẫn việc xác định các tình tiết định khung tăng nặng nêu trên. Tuy nhiên, Thông tư cũng mới chỉ hướng dẫn áp dụng đối với các hành vi tổ chức, cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép mà không đề cập đến 02 hành vi còn lại trong cùng một điều luật. Do vậy đã gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong việc áp dụng pháp luật để điều tra, truy tố, xét xử. Nếu áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội thì trong một số trường hợp, việc xử lý đối với tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài sẽ không đảm bảo sự công bằng khi áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2 Điều 275.

Ví dụ: Nguyễn Văn A đã 03 lần tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài với tổng số là 9 người, A thu lợi bất chính 5.000.000đồng. Trần Thị B đã tổ chức 01 lần cho người khác trốn đi nước ngoài với tổng số là 16 người và thu lợi bất chính 15.000.000đồng. Như vậy, theo quy định thì hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội thuộc trường hợp “phạm tội nhiều lần” và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 275 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” đối với hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài nên mặc dù Trần Thị B thực hiện hành vi đưa nhiều người trốn đi nước ngoài hơn, thu lợi bất chính nhiều hơn, tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với Nguyễn Văn A nhưng B chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 275 Bộ luật hình sự. Như vậy, rõ ràng đã tạo sự không công bằng khi xử lý người phạm tội trên thực tế.

Qua bài viết này, tác giả rất mong các đồng nghiệp trao đổi, cho ý kiến về trường hợp cụ thể nêu trên, có thể áp dụng khoản 2 với tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng’ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trần Thị B theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 09/2006 được hay không? 

Nông Văn Hội 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,921,379
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.221.85.142

    Thư viện ảnh