.

Thứ hai, 06/05/2024 -12:16 PM

Vai trò của viện kiểm sát nhân dân đối với công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự - giải pháp để nâng cao chất lượng công tác

 | 

Công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tracác vụ án hình sự là một trong những chức năng quan trọng của VKSND. Hiến pháp năm 2013 khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của VKS trong việc bảo đảm pháp chế XHCN thông qua công tác thực hiện chức năng THQCT và kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra.Theo quy định tại Điều 112 BLTTHS năm 2003 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi THQCT trong giai đoạn điều tra. Quán triệt quan điểm các Nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp trong những năm tới của Bộ chính trị " Hoạt động công tố được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội". Trong quá trình cải cách tư pháp, để VKS làm tốt hơn chức năng THQCT, các Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ, hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra, nhằm đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ.

Nội dung của các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp cho thấy, Đảng ta chủ trương xây dựng một nền công tố mạnh, phục vụ thiết thực và hiệu quả cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong đó VKS giữ vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra đối với Cơ quan điều tra như: Đề ra yêu cầu điều tra, phê chuẩn các lệnh hoặc quyết định của Cơ quan điều tra có liên quan đến việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn. Đồng thời cần quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn hoạt động điều tra, nhằm hạn chế khả năng xảy ra oan sai trong việc điều tra, truy tố và nâng cao chất lượng công tố. Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, nghĩa là phải song hành cùng với CQĐT trong việc điều tra, làm rõ tội phạm; phải phối hợp chặt chẽ với CQĐT để tìm giải pháp phát hiện, xử lý tội phạm khẩn trương nhất, đầy đủ nhất. Khi phát hiện một thiếu sót, hạn chế trong quá trình điều tra, cần coi đó là thiếu sót, hạn chế của chính VKS để cùng CQĐT tìm biện pháp khắc phục. Khi kiểm sát điều tra, VKS giám sát tuân theo pháp luật của CQĐT, bảo đảm việc điều tra có căn cứ và đúng pháp luật. Mục tiêu của hoạt động kiểm sát điều tra là nhằm hỗ trợ việc THQCT được tốt, bảo đảm việc truy tố có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy, yêu cầu của việc tăng cường trách nhiệm công tố đòi hỏi VKS cùng với CQĐT khắc phục những vi phạm, tồn tại trong quá trình điều tra, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội...". Như vậy tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực chất là tăng cường trách nhiệm công tác THQCT trong giai đoạn điều tra được quy định tại Điều 112 Bộ luật tố tụng hình sự.

Qua trang tin điện tử của ngành, tôi chia sẻ và nêu ra một số biện pháp nâng cao chất lượng THQCT trong giai đoạn điều tra và kinh nghiệm thực tiễn trong THQCT trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự để các đồng nghiệp cùng tham khảo.

Bộ luật TTHS năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng và KSV là những người tiến hành tố tụng trong Cơ quan VKS. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THQCT và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra các vụ án hình sự, thì trước hết phải chú ý đến việc kiện toàn tổ chức, nâng cao ý thức chính trị, đạo đức phẩm chất và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, KSV trong ngành KSND.

Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác kiểm tra, hướng dẫn của VKSND cấp tỉnh đối với VKSND cấp huyện. Để có được một đội ngũ cán bộ làm công tác THQCT và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra có năng lực và chuyên môn tốt, thì từng đơn vị trong ngành kiểm sát làm tốt công tác quản lý và rèn luyện cán bộ; trước hết, xác định rõ các yêu cầu và mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV: "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm"; sắp xếp, bố trí đúng người, đúng việc nhằm phát huy hết năng lực sở trường của từng cán bộ, KSV. Cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, KSV để kịp thời phát hiện những cán bộ, KSV có biểu hiện tiêu cực vi phạm quy chế nghiệp vụ để uốn nắn và xử lý nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, KSV của ngành làm sao để mỗi cán bộ, KSV ngành KSND luôn luôn "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" như lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. KSV được giao công tác giải quyết án hình sự phải được giao giải quyết thông khâu, tức là từ giai đoạn xử lý tin báo, tố giác tội phạm; kiểm sát việc khởi tố, KSĐT và KSXX để từ đó nắm chắc tình hình diễn biến nội dung vụ án. Khi được giao kiểm sát một vụ án, KSV phải nắm và bám sát hồ sơ vụ án, kiểm sát chặt chẽ từng hành vi tố tụng của Điều tra viên, hiểu rõ tâm lý của Điều tra viên để từ đó có biện pháp điều chỉnh đúng đắn, phù hợp với pháp luật.

Để việc áp dụng pháp luật trong hoạt động THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND mang lại hiệu quả như mong muốn, mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của Bộ luật hình sự, BLTTHS, các Luật, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, pháp luật về dân sự  áp dụng trong quá trình giải quyết án;

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc giải quyết án hình sự giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa VKS với các Cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm là một yêu cầu tất yếu hiện nay. Hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự là hoạt động phức tạp được pháp luật quy định cụ thể đối với hệ thống Cơ quan khác nhau thực hiện; đó là Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án. Mỗi Cơ quan được pháp luật quy định thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhất định có tính độc lập tương đối. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật trong THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp ở giai đoạn điều tra của VKSND, phải nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật ở Cơ quan điều tra và Tòa án các cấp;

 Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa VKS với Cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm là yêu cầu khách quan, đảm bảo nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, trong đó có hoạt động áp dụng pháp luật trong THQCT ở giai đoạn điều tra của VKSND. Việc tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành, trước hết phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành theo luật định, nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất. Chính vì vậy, VKS, Công an và Tòa án ở mỗi cấp phải thống nhất xây dựng được Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng giải quyết án hình sự, đặc biệt là đối với các vụ án lớn, án trọng điểm, phức tạp, những vụ án cần được điều tra, truy tố, xét xử nhanh hoặc xét xử lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, những vụ án cần tiến hành theo thủ tục rút gọn...;

Hoạt động phối hợp liên ngành phải được thực hiện ngay từ khi có tin báo, tố giác về tội phạm đến khi vụ việc được giải quyết một cách triệt để theo quy định của pháp luật, tránh để tình trạng lọt người, lọt tội hoặc làm oan người vô tội. Để đạt được điều này mỗi cấp cần thống nhất cơ chế kiểm tra liên ngành đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử; kịp thời phát hiện những thiếu sót, tồn tại để chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục, kiến nghị với cấp trên và cấp ủy Đảng địa phương về những biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong được sự quan tâm chia sẻ của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Văn Dũng (VKS Sơn Động )

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,843,593
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.183.150

    Thư viện ảnh