ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -23:32 PM

Cảm xúc của người cán bộ trẻ về ngành Kiểm sát nhân dân

 | 

Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng có những ước mơ, hoài bão của mình. Và tôi cũng thế, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, thuần nông, ở nơi ấy người nông dân quanh năm "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", 12 năm ngồi trên ghế nhà trường rèn luyện, phấn đấu chỉ để có một ước mơ duy nhất là được bước vào cánh cổng trường đại học, để sau này thoát khỏi cảnh "Chân lấm, tay bùn" và làm việc gì đó có ích cho xã hội.

Thời thơ ấu, nhà tôi gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã nên mỗi lần nghe thấy loa phát thanh của xã thông báo Tòa án đưa các vụ án về xã để xét xử lưu động cho nhân dân xem. Thế là những đứa trẻ như chúng tôi lại nô nức rủ nhau tới để xem Tòa xử án. Ngày đó, với tôi hình ảnh các chú, các bác ngồi trên bục xét xử sao mà trững trạc đến thế, họ luôn đưa ra những lý lẽ có tình, có lý, những chứng cứ buộc tội mà tội phạm không thể chối cãi, hình phạt giành cho những tên tội phạm luôn nhận được sự ủng hộ, đồng tình của bà con nhân dân. Thế là chả biết từ khi nào những hình ảnh đó lại đi vào tiềm thức một đứa trẻ như tôi. Kể từ đó, ước mơ học luật để sau này ra mình được làm những công việc giống như thế cứ lớn dần trong tôi.

Người ta vẫn thường nói "Cổng trường đại học cao vời vợi, mười người leo tới chín người rơi" vì thế để bước qua được cánh cổng ấy, bước vào cuộc sống sinh viên là cả một thử thách vô cùng khó khăn. Và rồi bằng nỗ lực, cố gắng của bản thân quyết tâm thoát cảnh đồng ruộng, sự động viên khích lệ từ gia đình, sự ân cần giáo dục, dạy dỗ của các thầy cô giáo tôi đã thi đỗ đại học và chính thức trở thành sinh viên của khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội và đó cũng là niềm mong ước của tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những năm sinh viên ngồi trên ghế nhà trường tôi luôn cố gắng học tập, rèn luyện tu dưỡng bản thân, tiếp thu những kiến thức được truyền đạt để có thể phục vụ có hiệu quả cho công việc sau này. Sau 4 năm đại học, tôi quyết định cầm tấm bằng cử nhân của mình về quê lập nghiệp. Hình ảnh những phiên tòa lưu động ngày xưa vẫn còn nguyên trong tâm trí, thôi thúc tôi trở về quê hương, để đóng góp, cống hiến một chút công sức nhỏ bé của mình tại mảnh đất mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Như một duyên số, đồng thời cũng rất may mắn cho tôi, tôi đã thi đỗ và được tuyển dụng vào ngành Kiểm sát Bắc Giang. Hạnh phúc hơn là tôi được phân công về nhận công tác tại Viện KSND huyện Yên Dũng - một huyện anh hùng có bề dày lịch sử - mảnh đất quê hương tôi.

Vậy mà thấm thoát đã 1 năm kể từ ngày tôi cầm quyết định về nhận công tác. Chắc hẳn các bạn - những người mới vào ngành như tôi cũng có cảm giác này, cảm giác hồi hộp lo lắng của một sinh viên mới ra trường lần đầu tiên đến nhận công tác tại một cơ quan nhà nước. Hồi đó, ai hỏi tôi là kiểm sát là gì tôi có thể trả lời như một cái máy lý thuyết, rằng đó là ngành đảm nhiệm chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà không hiểu được thực chất công việc của ngành.Vì những thứ tôi được học trên nhà trường chủ yếu là luật nội dung mà không được tìm hiểu sâu về hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật. Nhưng kể từ khi được nhận về công tác trong ngành, suy nghĩ đó trong tôi đã dần được thay đổi. Người ta thường nói, vạn sự khởi đầu nan, khi mới đến công tác, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm, bỡ ngõ, không giống như những gì tôi đã học được ở trường. Nhưng rồi bằng sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan, sự giúp đỡ chỉ bảo tận tình của đồng nghệp đi trước, nhất là chú Kiểm sát viên hướng dẫn tôi trong thời gian tập sự đã giúp tôi nắm và hiểu sâu hơn về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, tôi rất nhanh chóng hòa nhập với công việc cũng như cuộc sống trong cơ quan. Được lãnh đạo cơ quan giao cho làm công tác văn phòng tổng hợp của cơ quan, đặc thù công việc liên quan đến tất cả các bộ phận chức năng nghiệp vụ của đơn vị, nên tôi đã học hỏi được rất nhiều, những gì không biết, không rõ thì hỏi lại hoặc tranh thủ xin ý kiến của lãnh đạo từ đó công việc của bản thân được suôn sẻ hơn và cảm giác yêu ngành cũng lớn dần trong tôi. Có những dịp khối lượng công việc nhiều phải làm việc cả trưa, cả buổi tối, thậm chí ngày nghỉ cũng phải đến cơ quan làm, nhưng tôi chưa bao giờ bận tâm về điều đó, thậm chí tôi còn rất tự hào vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan.

Là cán bộ mới, nên tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của đơn vị, khi được lãnh đạo giao tiếp cận nghiên cứu hồ sơ vụ án rồi có báo cáo đề xuất, tôi thấy mình thực sự đã trưởng thành lên rất nhiều; Những phiên tòa xét xử lưu động, những phiên tòa rút kinh nghiệm, hay những vụ án điểm tôi thường được đi tham gia để quay phim, chụp ảnh, đưa tin viết bài để đăng lên trang điện tử của ngành đồng thời được đưa ra quan điểm, ý kiến đóng góp với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa để hoàn thiện hơn về kỹ năng, thao tác nghiệp vụ. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý báu, những trải nghiệm mà tôi đã được trải qua để đúc rút, học hỏi kinh nghiệm, học tập rèn luyện cố gắng phấn đấu để trở thành cán bộ Kiểm sát viên tốt trong tương lai“vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh". Với sức trẻ, tôi nguyện sẽ luôn cố gắng phấn đấu để học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xứng đáng với lời dạy của người về 5 đức tính của cán bộ ngành Kiểm sát:"Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn".

Nhân kỷ niệm 54 năm ngành thành lập ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2014), tôi xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, các bác, các cô chú, anh chị của ngành Kiểm sát Bắc Giang, chúc ngành Kiểm sát Bắc Giang ngày càng phát triển vững mạnh, phục vụ có hiệu quả trong công cuộc cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020./.

Phạm Công Thắng.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,409,347
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.78.215

    Thư viện ảnh