Việc giải quyết án phí sai là một trong những vi phạm phổ biến của Tòa án cấp sơ thẩm. Nguyên nhân là do việc nhận thức và áp dụng pháp luật của Thẩm phán giải quyết vụ án chưa đúng quy định, dẫn đến không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Sau đây xin nêu ra một vụ án điển hình để các đồng nghiệp cùng tham khảo, rút kinh nghiệm; nhận diện vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết về án phí để thực hiện công tác kiến nghị, kháng nghị, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát; bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật.
Nội dung vụ án
Chị Dương Thị Miền kết hôn với anh Phạm Duy Tùng ngày 31/3/2009. Hôn nhân trên cơ sở tự nguyện và có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã H, huyện L. Tháng 6 năm 2013 thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân mâu thuẫn do anh Tùng hay rượu chè, cờ bạc. Chị Miền xác định tình cảm vợ chồng không còn nên xin ly hôn, anh Tùng đồng ý. Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết cho vợ chồng ly hôn. Về con chung, giao cháu Phạm Duy Dương cho chị Miền nuôi dưỡng, anh Tùng không phải cấp dưỡng nuôi con.
Về tài sản: Chị Miền xác định vợ chồng không có tài sản gì, nên không yêu cầu Tòa án giải quyết. Anh Tùng khai, năm 2011, anh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan có gửi về cho chị Miền 3.300 đô la Mỹ, hiện chị Miền đang quản lý số tiền trên. Ly hôn, anh yêu cầu chị phải hoàn trả lại anh số tiền này.
Về công nợ: Chị Miền xác định vợ chồng có vay nợ của một số người để lo cho anh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, cụ thể như sau: Bà Nguyễn Thị Lợi là mẹ đẻ của anh Tùng: 04 chỉ vàng và 40.000.000 đồng; Ông Dương Văn Thiếp là bố đẻ chị Miền: 20.000.000 đồng; Bà Nguyễn Thị Thảo là bác của chị Miền: 1.000 đô la Mỹ và 10.000.000 đồng. Trong thời gian anh Tùng ở nước ngoài có gửi về cho chị 2.500 đô la Mỹ và gửi về cho ông Thiếp 800 đô la Mỹ, ông Thiếp đã giao lại số tiền này cho chị. Tổng số tiền anh Tùng gửi về cho chị là 3.300 đô la Mỹ. Chị đã sử dụng toàn bộ số tiền trên để trả nợ cho bà Lợi, ông Thiếp và bà Thảo hết. Do vậy, anh Tùng yêu cầu chị phải trả lại số tiền này chị không đồng ý. Anh Tùng xác định, vợ chồng không nợ gì ai, toàn bộ số nợ chị Miền khai anh không được biết. Do vậy, anh không chịu trách nhiệm về các khoản vay nợ này.
Bà Lợi trình bày, năm 2011 vợ chồng anh Tùng, chị Miền có vay của bà 40.000.000 đồng và 04 chỉ vàng cho anh Tùng đi xuất khẩu lao động. Sau đó, anh Tùng có gửi tiền về cho chị Miền. Năm 2012 chị Miền đã trả cho bà 40.000.000 đồng; năm 2013 chị Miền trả cho bà 03 chỉ vàng, còn lại 01 chỉ vàng bà không yêu cầu vợ chồng phải trả.
Ông Thiếp trình bày, năm 2011 vợ chồng anh Tùng, chị Miền vay của ông 20.000.000 đồng để cho anh Tùng đi xuất khẩu lao động. Cuối năm 2012 chị Miền đã trả nợ xong cho ông số tiền nêu trên. Ông xác định, trước đó vào năm vào năm 2011 anh Tùng có gửi cho ông 800 đô la Mỹ, ông đã giao lại số tiền trên cho chị Miền quản lý.
Bà Thảo trình bày, năm 2011 vợ chồng anh Tùng, chị Miền vay của bà 10.000.000 đồng và 1000 đô la Mỹ, lãi suất 3% để anh Tùng đi xuất khẩu lao động. Tháng 8 năm 2012 chị Miền đã trả hết cho bà số nợ trên.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên đã áp dụng các Điều 27, 89, 90, 91, 92, 94, 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh số 10/2009/PL- UBTVQH 12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, xử:
Về quan hệ hôn nhân: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa chị Dương Thị Miền và anh Phạm Duy Tùng.
Về con chung: Giao cho chị Dương Thị Miền tiếp tục nuôi dưỡng và chăm sóc con chung là cháu Phạm Duy Dương, sinh ngày 15/01/2010. Tiền cấp dưỡng nuôi con chung, các bên không có yêu cầu do đó không đặt ra xem xét, giải quyết. Anh Phạm Duy Tùng được quyền thăm nom con; không ai được cản trở anh Tùng thực hiện quyền này.
Về tài sản chung: Không chấp nhận yêu cầu của anh Phạm Duy Tùng đòi chị Dương Thị Miền trả số tiền 3.300 đô la Mỹ tương ứng với số tiền 69.547.500 đồng.
Về án phí: Chị Dương Thị Miền chịu cả 200.000 đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí mà chị Miền đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2010/004741 ngày 11/10/2013 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Bắc Giang. Xác nhận chị Miền đã thi hành xong án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm. Anh Phạm Duy Tùng phải chịu 3.477.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 1.500.000 đồng tạm ứng án phí mà anh Tùng đa nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2010/004923 ngày 24/02/2014 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Bắc Giang. Anh Tùng còn phải chịu 1.977.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Vi phạm của Tòa án sơ thẩm
Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định vợ chồng có vay nợ của những người sau: Bà Nguyễn Thị Lợi 04 chỉ vàng và 40.000.000 đồng; ông Dương Văn Thiếp 20.000.000 đồng; bà Nguyễn Thị Thảo 10.000.000 đồng và 1.000 đô la Mỹ để cho anh Tùng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Năm 2011 anh Tùng có gửi về cho chị Miền 3.300 đô la Mỹ và chị Miền đã sử dụng hết số tiền này để trả nợ cho những người trên. Từ nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định số tiền 3.300 đô la Mỹ do anh Tùng gửi về cho chị Miền thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho anh Tùng đi xuất khẩu lao động là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Quá trình giải quyết vụ án, anh Tùng xác định vợ chồng không có các khoản nợ nêu trên và yêu cầu chị Miền phải trả lại anh 3.300 đô la Mỹ (Tòa án cấp sơ thẩm đã quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 1 USD = 21.075 đồng x 3.300 USD = 69.547.000 đồng). Quá trình giải quyết vụ án, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của anh Tùng đối với số tiền 69.547.000 nêu trên, nhưng lại buộc anh Tùng phải chịu 3.477.000 đồng án phí dân sự đối với yêu cầu chia tài sản chung của anh không được Tòa án chấp nhận là không đúng với quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng thẩm phán- Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số trường hợp giải quyết chia tài sản chung quy định tại khoản 7 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, cụ thể: “…Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm”.
Xét thấy vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm chưa đến mức phải kháng nghị. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân huyện L kiểm điểm nghiêm túc đối với đồng chí Thẩm phán giải quyết vụ án; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm chung trong đơn vị, không để những thiếu sót, vi phạm tương tự xảy ra trong thời gian tới./.
Nguyễn Đức Sơn