ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -18:34 PM

Trao đổi về bài “Vướng mắc trong việc xác định thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền ra quyết định hành chính”

 | 

Đọc bài “Vướng mắc trong việc xác định thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền ra quyết định hành chính” của tác giả Trần Lệ Toàn, được đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 03/7/2014. Trong phạm vi vụ việc như tác giả nêu, ý kiến của tôi như sau:

1. Về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính của ông Liểu Quốc H.

Theo qui định của pháp luật tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện; trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn qui định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện (khoản 3 Điều 104 Luật TTHC).

Tại mục 2 Điều 12 Nghị Quyết số 02/2011/NQ- HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao Hướng dẫn thi hành một số qui định của Luật tố tụng hành chính, qui định:

“2. Thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau:

a, Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;…”.

 Trường hợp bạn nêu, ngày 17/7/2012 ông H nhận được quyết định hành chính. Ngày 17/5/2013, ông H nộp đơn khởi kiện tại Tòa án huyện Y (nằm trong thời hiệu khởi kiện= 1 năm). Việc Tòa án nhân dân huyện Y trả lại ông H đơn khởi kiện trong trường hợp ông H không lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại là thực hiện không đúng qui định tại điểm g khoản 1 Điều 109 Luật tố tụng hành chính (Trong trường hợp này, lẽ ra trong thời hạn xem xét đơn khởi kiện để thụ lý vụ án, nếu Tòa án thấy đơn khởi kiện có nội dung ông H đang khiếu nại đến UBND tỉnh thì Tòa án phải yêu cầu ông H lựa chọn nơi giải quyết. Nếu ông H lựa chọn Tòa án giải quyết, Tòa án không trả lại đơn khởi kiện mà yêu cầu Ông H thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền khiếu nại (sau đó ông H làm thủ tục rút đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh)).

Vì vậy, thời gian từ ngày 17/5/2013 đến ngày 15/8/2013 không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngày khởi kiện được xác định là ngày 17/5/2013 và còn thời hiệu khởi kiện. Tòa án huyện Y thụ lý vụ án là đúng pháp luật, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

2. Về thẩm quyền ban hành Quyết định số 1269/QĐ- UBND ngày 07/06/2012 của Chủ tịch UBND huyện Y.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Nhưng đúng như bạn nêu, Quyết định số 1269/QĐ- UBND ngày 07/06/2012 của Chủ tịch UBND huyệnY chứa đựng nội dung quyết định hành chính về nhiều vấn đề, trong đó có nội dung liên quan đến quyền lợi của ông H như: Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hủy bỏ hợp đồng thuê đất với ông H.

Vì vậy, theo tôi, khi xem xét giải quyết vụ án này, ngoài việc xem xét thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông S, bà M  (Thẩm quyền Tòa án hay thẩm quyền UBND), còn phải xem xét về thẩm quyền, căn cứ, trình tự thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hủy bỏ hợp đồng thuê đất với ông H của cơ quan có thẩm quyền (UBND huyện Y) và các quyết định khác có liên quan (Quyết định 837/QĐ…). Quan điểm của tôi về từng nội dung trên như sau:

- Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông S, bà M:

Theo vụ việc nêu, Ông S, bà M có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Y về việc xã, huyện không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất tại khu Đồi Cao nhưng không bồi thường cho gia đình ông S, bà M (thuộc trường hợp người sử dụng đất khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai). Ông S, bà M không tranh chấp đất đai với ông Liểu Quốc H nên UBND huyện Y tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại của ông S, bà M là đúng thẩm quyền theo qui định tại Điều 138 Luật đất đai năm 2003.

- Về thẩm quyền, căn cứ, trình tự thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông H; hủy bỏ hợp đồng thuê đất với ông H của UBND huyện Y .

 Để xác định đúng thẩm quyền, căn cứ, trình tự thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông H của UBND huyện Y, bạn cần phải kiểm tra, đối chiếu xem UBND huyện Y đã thực hiện đúng qui định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ qui định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện  quyền sử dụng đất…và giải quyết khiếu nại về đất đai chưa?; đối với việc hủy bỏ hợp đồng thuê đất với ông H của UBND huyện Y bạn cần phải xem nội dung thỏa thuận của hợp đồng thuê đất đã ký giữa hai bên, từ đó đối chiếu với qui định của Bộ luật dân sự (Điều 703-> Điều 709, Điều 713…) để xem xét, giải quyết về yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông H.

Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP qui định: “Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tự kiểm tra và phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra; Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra Giấy chứng nhận do UBND cấp huyện cấp, Thanh tra cấp tỉnh…nếu qua thẩm tra có kết luận là Giấy chứng nhận cấp trái pháp luật thì cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp”.

- Về yêu cầu khởi kiện của ông H đề nghị hủy toàn bộ Quyết định số 1269/QĐ cũng là những nội dung bạn cần phải chú ý khi kiểm sát giải quyết vụ án này, vì:

Trong trường hợp ông H không sửa đổi đơn khởi kiện, thì các nội dung khác của Quyết định 1269 còn đề cập đến trách nhiệm của UBND xã và các cá nhân khác có liên quan, là những nội dung không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông H nên ông H không có quyền đề nghị hủy những nội dung này…(Nếu chấp nhận đơn khởi kiện, Tòa chỉ được hủy một phần của QĐ 1269)

Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi, với đồng nghiệp khác có thể có quan điểm khác. Rất mong các đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp đã trải qua công tác kiểm sát, xét xử án hành chính mạnh dạn trao đổi, chia sẻ để chúng ta cùng học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm nhằm phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn./.

Nguyễn Thị Huệ-P12

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,799,587
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.217.104.36

    Thư viện ảnh