Năm 2014, VKSND huyện Lục nam xác định công tác kiểm sát thi hành án hình sự là một trong các khâu công tác đột phá cần tập trung chỉ đạo thực hiện để tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức, hiệu quả của công tác này mà trước hết là tạo sự đột phá trong công tác kiểm sát thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn.
Hội nghị tập huấn công tác THAHS ở huyện Lục Nam
Đánh giá về công tác kiểm sát thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ trước khi Luật thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực thi hành cho thấy công tác này trước đây chưa được lãnh đạo đơn vị chú trọng; phương pháp, cách thức tiến hành kiểm sát chậm đổi mới, hiệu quả công tác kiểm sát rất hạn chế. Thực trạng cho thấy, công tác kiểm sát chỉ mới chú ý kiểm sát đối với các đối tượng bị kết án mới phát sinh thụ lý trong năm công tác đó. Các đối tượng đang thi hành từ những năm trước chuyển sang vẫn đang còn phải chấp hành thời gian thử thách, mặc dù năm sau vẫn là đối tượng bị kiểm sát nhưng không được chú ý theo dõi trên sổ sách thụ lý kiểm sát cũng như tiến hành kiểm sát. Báo cáo số liệu nhiều năm về số bị án thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ cũng thường bỏ qua số bị án này. Trong công tác kiểm sát trực tiếp, Viện kiểm sát cũng chỉ mới chú ý đến việc kiểm sát đối với cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người bị kết án mà chưa chú ý đến việc kiểm sát đối với bản thân những người bị kết án trong thời gian thử thách, rất nhiều trường hợp kiểm sát trực tiếp tại xã, thị trấn nhưng không làm việc với người bị kết án và gia đình họ. Chính phương pháp, cách làm như vậy nên hiệu quả của công tác kiểm sát rất hạn chế, vai trò, vị trí của Viện kiểm sát trong công tác này rất mờ nhạt. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan cấp huyện với Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn có người thi hành án và với gia đình người bị kết án không chặt chẽ, từ đó dẫn tới việc giám sát, quản lý, giáo dục đối với người thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ bị buông lỏng, không có tác dụng giúp người bị kết án trở thành công dân tốt, không có tác dụng giáo dục riêng, phòng ngừa chung. Nhiều trường hợp tiếp tục phạm tội ngay trong thời gian thử thách có một phần nguyên nhân là do công tác tổ chức thi hành trên thực tế, công tác kiểm sát chưa thực sự được quan tâm chú ý đúng mức, hiệu quả hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, các quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010, Chỉ thị số 01/CT- VKSTC ngày 02/01/2014 của Viện trưởng Viện KSNDTC, sự chỉ đạo trực tiếp của Viện KSND tỉnh Bắc giang, Lãnh đạo đơn vị đã đề ra một số giải pháp cụ thể để tạo bước đột phá trong công tác này như sau:
- Thứ nhất:Về công tác thụ lý, quản lý các bị án.
Đơn vị đã tổ chức rà soát lại toàn bộ số bị án thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ trên địa bàn từ những năm trước đang còn trong thời gian giám sát, giáo dục để tiếp tục theo dõi trong sổ thụ lý đồng thời lập hồ sơ kiểm sát để theo dõi. Trong sổ thụ lý ghi rõ ngày hết hạn giám sát, giáo dục đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để nhập số liệu cũ, số liệu mới phát sinh và theo dõi luỹ kế qua nhiều năm, có phân ra bị án thuộc từng xã, thị trấn trên địa bàn. Khi bị án hết thời gian thử thách theo quyết định, bản án hoặc bị án được giảm thời gian thử thách, phần mềm excel trong máy sẽ tự động lọc và loại khỏi danh sách thụ lý đến thời điểm báo cáo. Cách làm này bảo đảm không để lọt bị án nào không được theo dõi tại một thời điểm nhất định, rất tiện lợi cho công tác báo cáo, công tác kiểm sát trực tiếp đối với từng UBND xã, từng bị án, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong công tác.
- Thứ hai: Đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả của công tác kiểm sát trực tiếp.
Công tác kiểm sát trực tiếp đối với UBND các xã, thị trấn được giao giám sát, giáo dục người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ là một trong những hình thức thưc hiện chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Luật thi hành án hình sự năm 2010. Từ năm 2012, mỗi năm, đơn vị lập kế hoạch kiểm sát trực tiếp từ 50% đến 70% số xã, 50% số bị án trên địa bàn, có chia ra các quý và ghi rõ trong kế hoạch công tác năm của đơn vị để thực hiện. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát trực tiếp, tổ công tác thường kết hợp mời đại diện cán bộ Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện cùng trực tiếp làm việc với UBND xã, Trưởng Công an xã, cán bộ tư pháp xã và người được giao trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Theo danh sách số bị án đã thụ lý kiểm sát và theo dõi của từng xã, tổ công tác phải kết hợp với Công an xã và Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện triệu tập, gặp gỡ trực tiếp người đang thi hành án và gia đình họ để nghe họ trình bày về việc chấp hành pháp luật trong thời gian thử thách, nhận thức của họ về quá trình được giám sát, giáo dục và cam kết không vi phạm pháp luật, việc tham gia của gia đình người thi hành án trong quá trình giám sát, giáo dục. Trước đây, khi tiến hành kiểm sát trực tiếp, cán bộ, kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thường không tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc với người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và gia đình họ mà chỉ làm việc với UBND xã, số lần kiểm sát trực tiếp UBND xã cũng rất hạn chế. Chúng tôi xác định việc gặp trực tiếp này rất quan trọng giúp người thi hành án nhận thức rõ nghĩa vụ của mình trong thời gian thi hành án, giúp gia đình họ thấy được trách nhiệm cùng UBND xã trong việc giám sát, giáo dục con em mình. UBND cấp xã, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện và VKSND huyện qua đó nắm được người thi hành án và kết quả việc giám sát, giáo dục trong thời gian vừa qua, từ đó VKS sẽ đánh giá được một cách chính xác, toàn diện việc chấp hành pháp luật của các chủ thể có liên quan trong công tác này. Kết thúc cuộc kiểm sát trực tiếp, tổ công tác phải nhanh chóng xây dựng kết luận kiểm sát, nêu rõ tình hình, kết quả chấp hành pháp luật, những vi phạm pháp luật và hạn chế, khuyết điểm, trích dẫn những quy định của pháp luật bị vi phạm, nguyên nhân dẫn tới vi phạm và yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Kết luận kiểm sát trực tiếp được gửi cho cả UBND huyện và Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện. Kết thúc 6 tháng hoặc một năm, trên cơ sở kết quả kiểm sát trực tiếp đối với từng xã, Viện kiểm sát tổng hợp đánh giá những ưu điểm đồng thời chỉ rõ những hạn chế, vi phạm pháp luật đã phát hiện ở các xã, thị trấn để tổng hợp kiến nghị chung với UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trong công tác này. Qua hơn hai năm thực hiện đổi mới phương pháp, nội dung của công tác kiểm sát trực tiếp như trên cho thấy hiệu quả công tác kiểm sát đã được nâng lên rõ rệt, khẳng định vai trò, vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát thi hành án hình sự, trong đó có án treo, án cải tạo không giam giữ, góp phần đưa công tác thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ ngày càng đi vào nề nếp, thực hiện đúng các quy định của Luật thi hành án hình sự.
- Thứ ba, Tăng cường công tác phối hợp và đổi mới nội dung, phương thức phối hợp giữa Viện kiểm sát với UBND huyện, Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, Toà án nhân huyện và các cơ quan khác trong công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ.
Trên cơ sở kết quả công tác kiểm sát việc thi hành án treo và án cải tạo không giam giữ đối với các xã trên địa bàn từ khi Luật THAHS có hiệu lực cho đến nay, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam đã tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện Lục Nam đồng thời phối hợp với UBND huyện và các ngành có liên quan mở hội nghị về công tác thi hành án treo và án cải tạo không giam giữ trên địa bàn huyện. Mục đích để đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện công tác này của các cơ quan cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong thời gian qua, nhất là việc phối hợp của các cơ quan cấp huyện có liên quan trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm sát đối với Ủy ban nhân dân cấp xã; những vi phạm và hạn chế của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong việc quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ, qua đó tìm biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện trong thời gian tới đồng thời tổ chức tập huấn chuyên sâu cho UBND các xã trên địa bàn huyện về công tác này.
Ngoài phương thức phối hợp tổ chức hội nghị, đơn vị đã chủ động xây dựng quan hệ phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện trong việc kiểm tra, kiểm sát trực tiếp đối với các xã và người thi hành án, với Toà án nhân dân huyện trong việc giao nhận bản án, quyết định thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ. Quan hệ phối hợp giữa ba cơ quan trong công tác này được thể hiện dưới hình thức Quy chế phối hợp công tác do Viện kiểm sát chủ trì xây dựng.
Trên đây là một số biện pháp để tạo sự đột phá trong công tác kiểm sát thi hành án hình sự nói chung, công tác kiểm sát việc thi hành án treo, án cải tạo không giam giữ nói riêng, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần đưa công tác thi hành án hình sự nói chung, công tác thi hành án treo và án cải tạo không giam giữ nói riêng đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả, giúp người phạm tội trở thành công dân có ích và tuyên truyền cho chính sách nhân đạo trong xử lý tội phạm và người phạm tội của Nhà nước ta hiện nay. Đây cũng là điểm mới trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND trong tiến trình cải cách tư pháp, thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.
Với chủ trương đổi mới phương thức thực hiện , nâng cao hiệu quả của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND, tạo sự đột phá trong các khâu công tác cụ thể theo chỉ đạo của VKSNDTC, bài viết nêu một số kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của đơn vị để cùng trao đổi học tập với các đơn vị cơ sở trong ngành.
Trịnh Anh Tuấn