Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Lạng Giang, Bắc Giang. Tuổi thơ tôi giống như bao bạn cùng trang lứa khác gắn liền với trò đánh khăng, chơi quay, đá bóng. Song tôi thích nhất là được lê la bắt chim và câu cá tại khu vực các cơ quan huyện quanh nơi Bố tôi công tác. Cứ ngày nghỉ, tôi lại được Bố đưa cơ quan chơi. Phòng làm việc của Bố tôi ngay sát cơ quan Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang. Viện trưởng lúc đó là bác Nguyễn Địch Bích. Vì các bác, các chú biết bố tôi nên tôi được vào chơi thoải mái.
Trang phụ ngành Kiểm sát nhân dân
Mỗi lần đến chơi, tôi đều thấy các cô chú mặc bộ quần áo màu xanh bình dị mà trang trọng. Tôi rất thích chiếc áo bu dông cộc tay mà các cô chú vẫn mặc khi vào mùa hè. Nó cho tôi cảm giác thoải mái nhưng vẫn nghiêm túc. Khi trời lạnh, tôi thấy họ khoác trên mình chiếc áo xanh dài tay, sơ vin, bên ngoài là một chiếc áo khoác đồng màu với quần trông sang trọng như bộ comple nhưng oai hơn nhiều! Thấy tôi đòi mua quần áo giống như thế, bố tôi nhẹ nhàng nói: "Nếu con thích trang phục của ngành kiểm sát, con phải cố gắng học giỏi để trở thành cán bộ Ngành Kiểm sát, vì đây là trang phục dành riêng cho ngành đó". Lời nói của bố đã nhen nhóm trong ý trí non nớt của tôi tình yêu với Ngành Kiểm sát nhân dân.
Tốt nghiệp phổ thông, tôi đăng kí thi duy nhất vào trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội. Ước mơ tuổi thơ được khoác trên mình bộ trang phục màu xanh đã trở thành hiện thực khi tôi được về công tác tại chính nơi mình đã từng đứng ngắm những bộ quần áo ấy - Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang. Với sự đặc biệt tôn trọng dành cho bộ trang phục của ngành mình, tôi và một số bạn đồng nghiệp đã mặc bộ quần áo “sang trọng như comple nhưng oai hơn nhiều” ấy vào ngày lễ hỏi vợ của mình.
Công việc kiểm sát có rất nhiều áp lực, nhưng dường như màu xanh trên những bộ trang phục mà chúng tôi đang mang đã giúp làm dịu đi phần nào những căng thẳng mà chúng tôi hàng ngày phải đối mặt. Nó nhắc nhở chúng tôi luôn phải cố gắng hoàn thành tốt công việc, góp phần giữ gìn sự bình yên trong xã hội.
Thời gian trôi qua, trang phục của của Ngành Kiểm sát cũng có những thay đổi, cấp hàm, cấp hiệu của cán bộ, Kiểm sát viên cũng khác nhau qua các thời kì. Theo Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực kể từ ngày 16/8/2012, quy định trang phục Ngành Kiểm sát nhân dân với màu sắc, chất liệu đẹp, hình thức sang trọng, lịch sự; cấp hàm, cấp hiệu đẹp, trang nghiêm.
Trang phục hiện nay là sự kế thừa và phát huy những ưu điểm, những nét đẹp của trang phục qua các thời kỳ trước đây. Khi mặc đồng bộ quần, áo, cà vạt, mang cấp hàm, cấp hiệu, đội mũ Kê pi, đeo biển tên, mang giầy, trông Kiểm sát viên rất khỏe đẹp và oai phong. Do vậy, khi mang trên người trang phục Ngành để thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chúng tôi cảm thấy tự tin, hãnh diện khi khoác lên mình chiếc áo màu xanh hòa bình thể hiện sự kiên quyết bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Nhiều tờ báo ngành, báo địa phương, đài truyền hình đưa tin về hình ảnh người cán bộ Kiểm sát thật đẹp và trang nghiêm.
Trước đây, cá biệt có đồng chí mặc trang phục Ngành còn rất xuề xòa, áo quần không đồng bộ, mang dép lê trông không nghiêm túc, nhìn vào không biết “Binh chủng” nào, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế của Ngành Kiểm sát. Nhưng kể từ khi có trang phục mới, có quy định cụ thể về sử dụng trang phục Ngành như: Trang phục phải được mặc đúng quy định, đeo đầy đủ cấp hàm, cấp hiệu, mang giầy, đeo biển tên, đội mũ Kêpi (khi không đi xe mô tô), quần áo được là thẳng... ở đơn vị chúng tôi đã không còn hiện tượng mặc trang phục tùy tiện nữa, ai đeo cấp hàm cấp hiệu chưa đúng là bị nhắc nhở ngay. Bản thân chúng tôi luôn thấy vinh dự, tự hào khi mang trên mình bộ trang phục của Ngành Kiểm sát nhân dân./.
Nguyễn Tuấn Hải