ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -22:17 PM

Một số vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em”

 | 

Phạm tội đối với trẻ em là trường hợp người phạm tội xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em.

Phạm tội đối với trẻ em là tình tiết định tội của một số tội như hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, mua bán trẻ em...hoặc là tình tiết định khung hình phạt của một số tội như giết người, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích... nhưng cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Hiện nay, quá trình giải quyết các vụ án hình sự mà người bị hại là trẻ em còn xảy ra nhiều vướng mắc dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trao đổi về một số vướng mắc cụ thể, phát sinh nhiều trong thực tiễn và các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau để các đồng nghiệp tham khảo và cùng trao đổi.

Xét xử vụ án hình sự ở huyện Lạng Giang

Ví dụ 1: A thực hiện hành vi cướp tài sản. Người bị hại trong vụ án là cháu B. Thời điểm thực hiện tội phạm, A mới 17 tuổi còn cháu B mới 14 tuổi.

Khi xét xử vụ án, Viện kiểm sát đề nghịáp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội đối với trẻ em” đối với bị cáo A nhưng  Tòa án không áp dụng vì xác định A là người chưa thành niên phạm tội nên không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này.

Ví dụ 2: Do mâu thuẫn cá nhân, C có hành vi dùng chân tay đấm đá D. Hậu quả làm D bị thương tích 55%. Thời điểm thực hiện tội phạm, C mới 15 tuổi 08 tháng còn D là người bị hại mới 13 tuổi.

- Nếu xác định trường hợp trên là “Phạm tội đối với trẻ em” thì C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự (thuộc trường hợp tình tiết định khung phạm tội đối với trẻ em quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 BLHS). Vì tội phạm mà C thực hiện là tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến mười lăm năm tù.

- Nếu không xác định là “Phạm tội đối với trẻ em” thì hành vi của C chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự có khung hình phạt cao nhất đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng. Vì vậy không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với C vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Nghiên cứu về lý luận và thực tiễn thấy:

 Đối với các tội xâm phạm đến trẻ em như: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, mua bán trẻ em... Đây là những tội phạm rất nghiêm trọng nên người từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện những tội phạm này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Một số tội phạm đặc thù thì Bộ luật hình sự đã quy định cụ thể ngay trong Điều luật là người phạm tội bắt buộc phải là người đã thành niên như: Tội giao cấu với trẻ em, tội dâm ô với trẻ em...(Điều 115, 116 Bộ luật hình sự).

Ngoài một số tội phạm cụ thể nêu trên thì không có quy định nào của Bộ luật hình sự loại trừ trường hợp trẻ em hoặc người chưa thành niên phạm tội đối với trẻ em thì không coi là phạm tội đối với trẻ em. Do vậy cần hiểu“Phạm tội đối với trẻ em” không liên quan gì đến chủ thể của tội phạm mà chỉ liên quan đến người bị xâm phạm.

Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫnáp dụng tình tiết tăng tặng trách nhiệm hình sự“Phạm tội đối với trẻ em” thì chỉ cần thỏa mãn người bị hại là trẻ em (dưới 16 tuổi) và tội phạm thực hiện do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em hay không.

Từ những căn cứ nêu trên, chúng tôi cho rằng căn cứ để xác định tình tiết “Phạm tội đối với trẻ em” thì chỉ cần thỏa mãn đủ các yếu tố: Người bị hại là trẻ em và tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Như vậy, người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc kể cả trẻ em khi phạm tội đối với trẻ em theo từng Điều luật tương ứng thì cần phải áp dụng là tình tiết định tội, định khung hình phạt hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội đối với trẻ em”theo điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Như vậy trong ví dụ 1 việc Tòa án xác định bị cáo A là người chưa thành niên phạm tội nên không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội đối với trẻ em” là không chính xác. Vì A đã thỏa mãn đủ các yếu tố là phạm tội do lỗi cố ý và người bị hại trong vụ án là trẻ em nên phải áp dụng tình tiết tăng nặng này. Bị cáo là người chưa thành niên đã được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo nguyên tắc xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội.

Lập luận tương tự ở ví dụ 2 thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với C về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự (thuộc trường hợp tình tiết định khung phạm tội đối với trẻ em).

Tôi mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật trong trường hợp “Phạm tội đối với trẻ em” được chính xác./.

Nguyễn Đức Hà

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,408,874
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.129.42.198

    Thư viện ảnh