Trong tố tụng dân sự việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện là vấn đề hết sức quan trọng, nếu xác định không đúng hoặc không đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khoản 4 điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “ Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.
Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự chúng tôi thấy còn có những quan điểm, nhận thức khác nhau trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Dưới đây là một vụ kiện cụ thể:
Bà Thân Thị A cho rằng, ngày 25/8/2011 bà có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của vợ chồng bà Nguyễn Thị C, ông Bùi Ngọc H; hai bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng. Thửa đất này UBND huyện L đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/12/2005 cho hộ bà C; giá chuyển nhượng là 300.000.000đ và bà đã giao đủ tiền cho bà C; bà C đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà. Sau khi nhận tiền bà C, ông H không làm các thủ tục để công chứng, chứng thực hợp đồng cũng như giao nhà đất cho bà. Nên bà A đã khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà với bà C, ông H là vô hiệu; yêu cầu bà C, ông H phải hoàn trả cho bà số tiền đã nhận 300.000.000đ và bồi thường chênh lệch theo lãi xuất tiền vay của Ngân hàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm, cụ thể là 300.000.000đ x 30 tháng x 1% = 90.000.000đ; bà sẽ hoàn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C, ông H sau khi bà C, ông H trả hết các khoản tiền cho bà.
Bà C, ông H (do anh N đại diện theo ủy quyền) thừa nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 25/8/2011 với bà A. Nhưng ông, bà không biết nội dung cụ thể của hợp đồng như thế nào vì hợp đồng do anh T (là con rể của ông bà) đã lập sẵn mang về bảo ông bà ký; ông bà không được nhận số tiền 300.000.000đ của bà A; ông bà không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà A. Ông bà đồng ý tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 25/8/2011 là vô hiệu; yêu cầu bà A hoàn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không đồng ý việc bà A yêu cầu ông bà phải hoàn trả số tiền 300.000.000đ và bồi thường thiệt hại số tiền chênh lệch là 90.000.000đ vì không được nhận số tiền này.
Ngoài ra bà C có trình bày: Anh T có vay tiền của bà A, nhưng do anh T không có tài sản để thế chấp nên anh T có hỏi mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà để vay tiền và bà đồng ý. Nếu bà A có cho anh T vay tiền thì bà A đòi anh T, bà và ông H không liên quan gì đến việc anh T vay tiền của bà A.
Với nội dung vụ án nêu trên, Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là bà A với đồng bị đơn là bà C, ông H đã nhận định: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà C, ông H với bà A đã thể hiện đúng ý chí của các bên, nội dung của hợp đồng là hợp pháp; về hình thức hợp đồng chưa được công chứng, chứng thực; khi giao kết hợp đồng bà A đã giao cho bà C 300.000.000đ; bà C đã giao cho bà A giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và áp dụng điều 127, 134, 137 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 105, 107, 127, 136 Luật đất đai năm 2003; Điều 25, 131, 138, 142, 245 Bộluật tốtụng dânsự; Pháp lệnh 10/2009/PL-UBTVQH 12 ngày 27/2/2009 quy định về lệ phí, án phí xử: Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giao kết ngày 25/8/2011 giữa bà C, ông H với bà A, vô hiệu về hình thức. Bà C, ông H phải hoàn trả cho bà A số tiền đã nhận là 300.000.000đ và bồi thường tiền chênh lệch là 90.000.000đ. Tổng cộng là 390.000.000đ. Bà A phải hoàn trả cho bà C, ông H giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay sau khi bà C, ông H hoàn trả số tiền 390.000.000đ…
Sau khi xem xét tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B thấy rằng: Tại đơn khởi kiện ghi ngày 16/5/2013 bà A đã ghi “tôi giao đủ 300.000.000đ cho bà C cùng con rể là ông T”; và tại các biên bản do UBND xã T lập, bà A đã trình bày: Việc anh T vay được tiền của bà A là do bà C, ông H đã ký vào hợp đồng làm căn cứ; Hợp đồng mua bán đất đã được lập tại thị trấn V với lý do bà A đã cho anh T là con rể ông H, bà C vay số tiền 300.000.000đ. Việc lập hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông H, bà C với bà A nhằm mục đích để thế chấp, cầm cố tài sản bảo lãnh số tiền ba trăm triệu đồng cho anh T vay.
Những ý kiến của bà A được ghi trong các tài liệu nêu trên, thể hiện bà A thừa nhận đã cho anh T vay 300.000.000đ; việc lập hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông H, bà C với bà C nhằm mục đích để thế chấp, cầm cố tài sản bảo lãnh số tiền bà A đã cho anh T vay. Do vậy, việc bà C và anh N trình bày là bà C, ông H không được nhận số tiền 300.000.000đ của bà A; anh T có liên quan đến việc bà C ông H ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà A là có căn cứ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc bà C, ông H phải hoàn trả cho bà A số tiền 300.000.000đ và bồi thường tiền chênh lệch 90.000.000đ là không đủ cơ sở. Việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà A có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của anh Bùi Văn T (con rể ông H, bà C). Nhưng khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa anh T vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định mối quan hệ pháp luật các bên đương sự tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” và xác định hợp đồng vô hiệu về hình thức, lỗi hoàn toàn thuộc về phía bị đơn, bên có lỗi phải bồi thường. Nhưng khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định cụ thể mức độ thiệt hại mà lại xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà A đòi bà C, ông H bồi thường tiền chênh lệch theo lãi xuất 1% trong thời gian 30 tháng (300.000.000đ x 30 tháng x 1% = 90.000.000đ) là không đúng quy định tại điểm c, tiểu mục 2.3 mục 2 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.
Do vậy, Viện KSND tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L và đề nghị Toà án nhân dân tỉnh B đưa vụ án nêu trên ra xét xử phúc thẩm theo hướng: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện L giải quyết lại.
Nguyễn Thị Tuyết