ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -15:22 PM

Một số vướng mắc qua thực tiễn giải quyết các vụ án về tội gá bạc

 | 

Gá bạc là hành vi của người dùng địa điểm (nhà ở, phòng trọ, khách sạn, tàu xe...) đang do mình quản lý và sử dụng để cho người khác đánh bạc nhằm mục đích thu tiền. Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn tương đối chi tiết và cụ thể để áp dụng khi xử lý các vụ án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết, đặc biệt là đối với tội danh gá bạc thì vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh. Tác giả xin nêu 2 ví dụ cụ thể như sau:

Vật chứng thu giữ của một vụ đánh bạc (nguồn Internet)

Vụ thứ nhất: Ngày 15/12/2013, Lê Công Q bị Công an huyện H bắt quả tang vì có hành vi cho 04 đối tượng khác đánh bạc tại nhà mình để thu tiền. Tang vật thu giữ tại chiếu bạc số tiền 6.000.000 đồng và một số vật chứng khác phục vụ đánh bạc. Q là đối tượng đã có tiền án. Tháng 7/2012, Q bị Tòa án huyện H xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội đánh bạc.

Cơ quan điều tra đã khởi tố Lê Công Q về tội "Đánh bạc" theo Điều 248 BLHS với vai trò là người giúp sức.

Hiện tại có 2 quan điểm về xác định tội danh của Lê Công Q như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Q bị xử lý về tội "Đánh bạc" theo Điều 248 BLHS.

Mặc dù Q có hành vi gá bạc nhưng căn cứ hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của Q không thỏa mãn điều kiện "quy mô lớn" nên việc khởi tố đối với Q về tội "Đánh bạc" với vai trò đồng phạm giúp sức là đúng.

- Quan điểm thứ hai: Hành vi của Lê Công Q phải bị xử lý về tội "Gá bạc" theo Điều 249 BLHS.

Theo tôi quan điểm thứ hai là chính xác, bởi lẽ:

Tại khoản 1 Điều 249 BLHS quy định "Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm".

Như vậy, mặc dù hành vi gá bạc của Lê Công Q không thuộc trường hợp "quy mô lớn" nhưng do Q đã bị kết án về tội đánh bạc và chưa được xóa án tích nên phải khởi tố Q về tội "Gá bạc" mới đúng tội danh.

Vụ thứ hai: Ngày 20/01/2014, Công an huyện T bắt quả tang tại nhà Nguyễn Văn A có 9 đối tượng đánh bạc tại 2 chiếu bạc. A không đánh bạc nhưng cho các đối tượng khác đánh bạc tại nhà mình để thu tiền hồ. Kết quả điều tra xác định:

- Chiếu bạc thứ nhất có 5 người đánh bạc bằng hình thức đánh 3 cây với số tiền dùng đánh bạc là 6.500.000 đồng. (Cơ quan điều tra đã khởi tố 5 đối tượng ở chiếu bạc này về tội đánh bạc).

- Chiếu bạc thứ hai có 4 người đánh bạc bằng hình thức đánh phỏm với số tiền dùng đánh bạc là 1.800.000 đồng (Các đối tượng đánh bạc ở chiếu bạc này sau đó bị xử lý hành chính).

Về việc xử lý đối với Nguyễn Văn A còn có 2 quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A bị xử lý về tội "Đánh bạc".

Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “quy mô lớn” là “Từ 2 chiếu bạc trở lên” thì cần được hiểu là phải bắt buộc cả 2 chiếu bạc này đều phải xử lý được bằng hình sự. Vì vậy, mặc dù Q có hành vi gá bạc nhưng không thỏa mãn điều kiện "quy mô lớn" nên chỉ xử lý về tội đánh bạc với vai trò là người giúp sức.

- Quan điểm thứ hai: Hành vi của A bị xử lý về tội "Gá bạc".

 Vì A có hành vi chứa 2 chiếu bạc cùng một lúc. Trong đó có 01 chiếu bạc có đủ định lượng tiền truy tố về tội đánh bạc thì bất kể chiếu bạc còn lại có đủ hay không đủ định lượng để truy tố về tội đánh bạc thì hành vi của A vẫn thỏa mãn là gá bạc với “quy mô lớn”.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ: Khái niệm chiếu bạc theo quy định của pháp luật hình sự cần được hiểu là hành vi của những người đánh bạc có đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc. Mặt khác, Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: Trường hợp người có hành vi gá bạc, nếu số tiền dùng đánh bạc từ 2.000.000 đến dưới 50.000.000 đồng thì không xử lý về tội gá bạc mà xử lý đồng phạm về tội đánh bạc. Như vậy cần xác định chỉ xử lý người có hành vi gá bạc về tội đánh bạc khi thỏa mãn yếu tố xử lý được tất cả đối tượng tham gia đánh bạc về tội đánh bạc.

Trên đây là một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các đối tượng có hành vi gá bạc; tác giả mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp để làm rõ hơn về nhận thức và cũng như việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án đánh bạc được chính xác.                                                    

                                                                   Thân Mạnh Cường

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,552,135
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.224.31.82

    Thư viện ảnh