Công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh và tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Các tổ chức phản động bên ngoài đã lợi dụng các trang mạng xã hội để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là một trong những "chiêu" các thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá và xoá bỏ chế độ CNXH ở nước ta.
Người sử dụng các trang mạng xã hội nên thận trọng khi tiếp cận các nguồn thông tin.
Tốt - xấu lẫn lộn
… Thống kê cho thấy, hiện có hàng trăm trang web, blog "đen" do hơn 400 tổ chức phản động trong và ngoài nước lập ra xen lẫn hàng trăm trang web, blog cá nhân với thông tin tốt - xấu, thật - giả lẫn lộn, có loại ẩn chứa âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; có loại vô tình "nối giáo cho giặc", "quá mù ra mưa"... Gần đây, nhiều hiểm họa từ những trang web, blog "đen" gây ra như việc đưa tin sai lệch, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước.
Đặc biệt, nhiều tờ báo phản động ở hải ngoại và báo chí nước ngoài thi nhau "tung hứng", suy diễn giống như chúng được "tiếp tay" từ nội bộ, gắn với các vấn đề nhân sự cấp cao nhạy cảm. Từ năm 2000, với việc ra đời "Hội nghị liên kết người Việt tự do tại Mỹ", các thế lực thù địch đã xác định phải tận dụng công nghệ hiện đại như blog, mạng xã hội để "phá vỡ sự bưng bít thông tin", tạo sự liên kết giữa phản động lưu vong với nội địa ngày càng chặt chẽ, từ chỗ chỉ qua thư tín rồi dần qua Internet là chủ yếu. Một số "chiêu thức" chính của chúng như sau:
Một là, các trang blog, web tự xưng danh đại diện cho cộng đồng chống tham nhũng, dân oan đấu tranh đòi quyền lợi xung quanh giải phóng mặt bằng, những người đòi tự do thông tin, các nhà dân chủ... để hoạt động như một tờ báo điện tử, đưa thông tin kích động, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nội dung chính của những trang này vẫn là phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bôi nhọ hình ảnh, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động khiếu kiện đất đai, chính sách dân tộc, tôn giáo...
Nhiều bọn phản động lưu vong đã lợi dụng Internet lập nên các trang web, blog, song chúng "lập lờ" thông tin thật - giả, tốt - xấu khiến người dân rất khó nhận biết là trang phản động hay không. Theo điều tra của cơ quan chức năng, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân là một trong những nơi sản sinh ra nhiều web, blog phản động nhất. Hiện nay, tổ chức này đang chuẩn bị "đại hội" nên càng ráo riết lợi dụng web, blog để "diễu võ dương oai".
Hai là, việc xuất hiện nhiều trang web, blog có máy chủ đặt tại nước ngoài mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin và ẩn chứa những động cơ đen tối. Cơ quan chức năng cho biết, đằng sau sự mạo danh này là những tên phản động lưu vong.
Ba là, không ít trang web, blog của một số trí thức, văn nghệ sĩ và thành phần bất mãn, chống đối lợi dụng danh nghĩa "phản biện xã hội" để phê phán, phản đối chính sách của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý là những trang web, blog này được các thế lực thù địch phản động thường xuyên lấy lại tin, bài, thậm chí tài trợ để tạo dựng ngọn cờ, tạo dư luận, tập hợp lực lượng chống đối.
Bốn là, các thế lực thù địch và cực đoan đang triệt để lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội (nhiều nhất là trên facebook, youtube) để chống phá, kêu gọi biểu tình, phát tán tài liệu phản động, hình ảnh, phim, clip bôi nhọ, xuyên tạc Đảng và Nhà nước ta...
Bài học rút ra từ mạng xã hội
Qua những vấn đề nêu trên có thể thấy, việc phát tán thông tin như vậy vào Việt Nam là hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng, gây hoài nghi trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, gây tác động rất xấu trong dư luận xã hội. Mạng xã hội tạo cơ hội cho bất cứ ai trong xã hội, họ được lắng nghe, có cơ hội thể hiện mình.
Tuy nhiên, trong những thay đổi đó, chúng ta cần phải hiểu rõ đâu là nguồn tin chính thống, không bị "nhiễm" từ những ý đồ đen tối, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước.
Bản thân những người sử dụng mạng xã hội cần phải biết thẩm định các nguồn thông tin từ Internet. Việc tìm ra được thông tin cần thiết trên Internet là một vấn đề khó, song thẩm định những nguồn tin này còn khó hơn nhiều lần.
Nhiều thông tin trích dẫn sai sẽ có tác động tiêu cực đối với vấn đề hoặc đối tượng của bài viết. Do đó, khi khai thác thông tin từ Internet, chúng ta cần phải biết thẩm định nguồn tin, có thể bằng một số cách như sau: Kiểm tra thông tin về người hoặc cơ quan đăng tài liệu đó. Người viết có ghi tên đầy đủ và cơ quan đó có địa chỉ cụ thể hay không? Hoặc trang web đó có địa chỉ liên lạc như email, số điện thoại, người chịu trách nhiệm về nội dung không? Cơ quan nào phụ trách trang web đó, nếu cần có thể kiểm tra qua mục "About us".
Ngoài ra, có thể kiểm tra đường dẫn URL, để nhanh chóng biết được một số thông tin khi vào đường dẫn của trang web, đồng thời kiểm tra mức độ cập nhật và tính chính xác của tài liệu.
"Khi viết hoặc đọc thông tin trên mạng xã hội, chúng ta cần thận trọng và phân biệt rõ nguồn thông tin. Đặc biệt, các nhà báo không nên đăng tải các thông tin chưa được kiểm chứng trên các mạng xã hội cá nhân của mình". |
Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi (Tạp chí Cộng sản)