ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -12:49 PM

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Yên

 | 

Luật Thi hành án hình sự bao gồm 15 chương, 182 điều đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2011. Luật Thi hành án hình sự được ban hành đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.

Ngay khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và hướng dẫn của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, UBND các xã, thị trấn (UBND cấp xã) đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định. Bước đầu UBND các xã, thị trấn đã thực hiện cơ bản đúng những nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật thi hành án hình sự, trong đó có việc tổ chức thi hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo (sau đây gọi tắt là thi hành án treo) và cải tạo không giam giữ.

Công tác thi hành án treo tại huyện Tân Yên ngày càng được quan tâm

Cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện UBND cấp xã đã phân công nhiệm vụ cho Công an cấp xã có trách nhiệm trực tiếp tham mưu giúp UBND xã thực hiện đúng các quy định; đồng thời cũng giao cho cán bộ tư pháp và các tổ chức đoàn thể phối hợp với Công an xã trong việc quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ.

UBND cấp xã đã triển khai thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ của các bị án thi hành án treo và cải tạo không giam giữ do Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện chuyển về. Hồ sơ bàn giao được thiết lập riêng cho từng bị án và có đầy đủ tài liệu theo quy định (Hồ sơ gồm có Bìa hồ sơ theo mẫu, Bản án có hiệu lực pháp luật, Quyết định thi hành án, bản cam kết, bản khai lý lịch của người chấp hành án và các tài liệu khác có liên quan…). Khi tiến hành bàn giao hồ sơ có đầy đủ thành phần (Đại diện UBND xã, Công an xã, cán bộ Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, người phải thi hành án....) và lập biên bản lưu trữ vào hồ sơ theo quy định.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ và người phải thi hành án, UBND cấp xã đã tiến hành phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ, việc phân công cơ bản đều bằng quyết định do Chủ tịch UBND xã ký. Những người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục các bị án đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định như có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng giám sát, giáo dục cảm hóa người chấp hành án... chẳng hạn như các đồng chí Công an viên, Hội viên Hội cựu chiến binh, Trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể Phụ nữ, Đoàn thanh niên... vì vậy đã giám sát, giáo dục rất hiệu quả đối với các bị án, giúp các bị án nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng và trở thành người công dân có ích cho xã hội.

UBND cấp xã cũng đã yêu cầu người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong thời gian thử thách, thời gian chấp hành án theo quy định của Luật thi hành án hình sự (như việc 03 tháng một lần phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; khi đi khỏi nơi cư trú 01 ngày trở lên thì phải xin phép và được đồng ý...); yêu cầu thực hiện nghĩa vụ công dân, chấp hành nội quy, quy chế nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Trong quá trình tổ chức thực hiện thi hành án treo và cải tạo không giam giữ UBND cấp xã đã có sự chỉ đạo Công an, tư pháp và các tổ chức đoàn thể ở xã phối hợp với gia đình, tổ chức nơi người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ làm việc, học tập để theo dõi, giám sát, giáo dục các bị án, đồng thời tạo điều kiện để người đó tiếp tục học tập, làm việc, tìm kiếm việc làm…. Do vậy đã kịp thời động viên, khích lệ các bị án yên tâm lao động, học tập cố gắng sửa chữa sai lầm để hoàn lương đồng thời cũng đã gắn được trách nhiệm của gia đình, tổ chức nơi người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ làm việc trong việc cùng theo dõi, giám sát, giáo dục.

Khi người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ xin được vắng mặt ở nơi cư trú mà có lý do chính đáng UBND cấp xã đã giải quyết kịp thời, tạo điều kiện cho những người này đi làm ăn, giải quyết công việc.

Đối với những người đã chấp hành xong thời gian thử thách, thời gian chấp hành án UBND xã đã thiết lập hồ sơ và làm thủ tục bàn giao hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện để cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách, chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ theo đúng thời hạn quy định.

UBND cấp xã cũng đã chỉ đạo Công an xã thực hiện việc mở sổ sách để quản lý theo dõi người chấp hành án. Thực hiện đúng quy định về việc bổ sung các tài liệu theo quy định vào hồ sơ thi hành án treo và cải tạo không giam giữ như các loại tài liệu: Quyết định của UBND cấp xã phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục; bản nhận xét của người trực tiếp được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành nghĩa vụ của người chấp hành án...

Đánh giá kết quả công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Yên

Trong thời gian kể từ khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành ngày 01/07/2011 cho đến 30/07/2013, công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã trên địa bàn huyện Tân Yên đã đạt những kết quả cụ thể như sau:

Về thi hành án treo:Số đối tượng UBND các xã, thị trấn đã tiếp nhận hồ sơ để giám sát, giáo dục: 222 bị án. Số cũ đang theo dõi từ trước chuyển sang: (trước ngày 01/07/2011): 7 bị án. Tổng số đối tượng UBND các xã, thị trấn theo dõi quản lý, giám sát, giáo dục: 229 bị án.

Tổng số đối tượng đã chấp hành xong được UBND các xã, thị trấn chuyển hồ sơ cho Cơ quan THAHS Công an huyện để đề nghị cấp giấy chứng nhận: 68 bị án.

Tổng số đối tượng đã được Cơ quan THAHS Công an huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách: 64 bị án.

Tổng số đối tượng được UBND các xã, thị trấn đề nghị rút ngắn thời gian thử thách: 05 bị án.

Về thi hành án cải tạo không giam giữ:Số đối tượng UBND các xã, thị trấn đã tiếp nhận hồ sơ để giám sát, giáo dục: 16 bị án. Số cũ đang theo dõi từ trước chuyển sang: (trước ngày 01/07/2011): 0 bị án. Tổng số đối tượng UBND các xã, thị trấn theo dõi quản lý, giám sát, giáo dục: 16 bị án.

Tổng số đối tượng đã chấp hành xong được UBND các xã, thị trấn chuyển hồ sơ cho Cơ quan THAHS Công an huyện để đề nghị cấp giấy chứng nhận: 05 bị án.

Tổng số đối tượng đã được Cơ quan THAHS Công an huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách: 05 bị án.

Đánh giá thuận lợi, khó khăn vướng mắc:

Việc triển khai công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã theo quy định của Luật thi hành án hình sự có những thuận lợi đó là có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện và sự hướng dẫn nghiệp vụ của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện. Cấp ủy và UBND cấp xã đều là những đơn vị vững mạnh, lực lượng Công an xã thường xuyên được cũng cố, cả về số lượng và chất lượng; Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở cấp xã hoạt động tích cực, có hiệu quả. Ngoài ra trước đây UBND cấp xã cũng đã thực hiện công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ theo quy định tại Nghị định 60, 61 của Chính phủ vì vậy hoạt động này cũng đã đi vào nề nếp và tích lũy được kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi thì công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã cũng còn có rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: Hầu hết các xã trong huyện đều là xã miền núi, địa bàn rộng, kinh tế phát triển chậm, nhân dân chủ yếu là làm nông nghiệp nên điều kiện đời sống còn rất khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực từ tháng 7/2011 nhưng đến nay nhiều nội dung vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện; việc tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên không thường xuyên, kịp thời. Kinh phí chi cho công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã chưa được đầu tư; chưa có chế độ, định mức để chi bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác này, nhất là lực lượng Công an xã và những người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục bị án trong khi đó tiền lương, tiền công của cán bộ xã rất thấp.

Đánh giá về ưu điểm và thiếu sót, tồn tại

Đa số cấp ủy và UBND cấp xã đã có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ, đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật thi hành án hình sự. Phần lớn các cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ đều rất nhiệt tình, tận tụy, chủ động trong công việc, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao nhất là lực lượng Công an cấp xã. Các tổ chức đoàn thể và gia đình các bị án đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, giáo dục các bị án. Hầu hết các bị án đều có ý thức tự giác cải tạo tốt, chấp hành đúng nghĩa vụ và quy định của địa phương.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, những kết quả đã đạt được, trong công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã vẫn còn nhiều thiếu sót, tồn tại; chưa thực hiện đúng theo nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật thi hành án hình sự vì vậy đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả tác dụng của việc giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm trong thi hành án hình sự. Qua công tác kiểm sát trực tiếp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên đã phát hiện ra một số dạng vi phạm như sau:

- Một là, sau khi tiếp nhận hồ sơ thi hành án treo và cải tạo không giam giữ từ Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện bàn giao, một số UBND cấp xã chưa thực hiện triển khai ngay việc tổ chức giám sát, giáo dục các bị án mà để một thời gian dài sau đó mới thực hiện, cá biệt có những trường hợp sau khi tiếp nhận hồ sơ đã để mặc đó, không có hoạt động gì, chỉ đến khi hết thời gian thử thách, thời gian chấp hành án thì mới làm các thủ tục hợp lý hóa hồ sơ để đề nghị cấp giấy chứng nhận cho các bị án. Những sai phạm này đã vi phạm quy định tại Điều 18, Điều 63, Điều 74 Luật thi hành án hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong thi hành án hình sự nói chung và thi hành án treo, cải tạo không giam giữ nói riêng.

- Hai là, việc phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ ở một số đơn vị cũng chưa đảm bảo đúng quy định. Một số trường hợp khi phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục UBND cấp xã không ra quyết định phân công; hoặc chậm ra quyết định phân công. Thậm chí có trường hợp không phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục vì vậy thực tế không có hoạt động giám sát, giáo dục, không có bản nhận xét của người được giao giám sát giáo dục lưu trong hồ sơ theo quy định. Những sai phạm này đã vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 63, Điểm b Khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự.

Việc không phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục; không có hoạt động giám sát, giáo dục các bị án đã dẫn đến các bị án bị buông lỏng, không tự giác chấp hành nghĩa vụ thi hành án, coi thường pháp luật, trật tự kỷ cương nên có một số trường hợp lại tiếp tục phạm tội, phải xử lý theo quy định của pháp luật.

- Ba là, một số UBND cấp xã chưa yêu cầu người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 63, Điểm c Khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự.

Theo quy định tại Điều 64, Điều 75 Luật THAHS về nghĩa vụ của người được hưởng án treo, người chấp hành án cải tạo không giam giữ thì những người này phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân, phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã, trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng tuy nhiên thực tiễn cho thấy có nhiều trường hợp các bị án tự ý đi khỏi nơi cư trú, đi làm ăn sinh sống ở nơi khác nhưng không khai báo, xin phép, khi UBND xã yêu cầu lên trình diện thì không chấp hành, không có mặt tuy nhiên UBND cấp xã cũng chưa có biện pháp xử lý, giáo dục để các bị án phải chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 67, Điều 79 Luật thi hành án hình sự thì trong thời gian thử thách, thời gian chấp hành án nếu những người này vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 64, Điều 75 Luật THAHS và đã bị nhắc nhở từ hai lần trở lên mà tiếp tục vi phạm nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì UBND cấp xã phải tổ chức kiểm điểm người đó tại cộng đồng dân cư để răn đe, giáo dục. Tuy nhiên từ khi Luật thi hành án có hiệu lực cho đến nay chưa có UBND xã nào tổ chức được việc kiểm điểm đối với những bị án có nhiều vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

- Bốn là, việc giám sát, giáo dục của những người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục các bị án cũng chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả, vẫn chỉ mang tính hình thức qua loa. Thực tiễn qua kết quả kiểm sát cho thấy thường những người được giao trực tiếp giám sát, giáo dục các bị án đều là Công an viên hoặc Trưởng, Phó các đoàn thể Phụ nữ, Đoàn thanh niên, tuy nhiên việc bố trí thời gian để theo dõi, giáo dục, giúp đỡ các bị án còn ít, không thường xuyên; việc các bị án viết bản tự nhận xét gửi cho người giám sát, giáo dục và người giám sát giáo dục viết bản nhận xét của mình thường chưa nghiêm túc, không đúng thời gian quy định, có khi chỉ viết 01 bản sau đó photo hoặc chép lại rồi ghi ngày tháng khác nhau để hợp lý hóa, lưu vào hồ sơ.

- Năm là, việc giải quyết cho người được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ được vắng mặt ở nơi cư trú cũng chưa đảm bảo đúng theo quy định của Luật thi hành án hình sự và pháp luật về cư trú. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 64, Khoản 3 Điều 75 Luật thi hành án hình sự thì khi các bị án đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải làm đơn xin phép, ghi rõ lý do và nơi đến tạm trú đồng thời khai báo tạm vắng theo quy định. Sau khi nhận được đơn của các bị án thì Trưởng Công an xã xem xét và trình Chủ tịch UBND xã ký Quyết định giải quyết cho người chấp hành án tạm vắng nơi cư trú. Trường hợp người chấp hành án đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng thì phải yêu cầu người đó có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục.

Ngoài ra có một số trường hợp khi các bị án đã thay đổi nơi cư trú hoặc đã bị bắt vì một tội phạm khác UBND cấp xã cũng chưa kịp thời thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện biết để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Sáu là, trong quá trình tổ chức thi hành án treo và cải tạo không giam giữ có nhiều bị án đã tự giác chấp hành tốt, có đủ điều kiện để được xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo theo Điều 66 và giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ theo Điều 77 Luật thi hành án hình sự để thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bị án đồng thời khuyến khích các bị án tích cực phấn đấu trở thành công dân tốt, tuy nhiên hầu hết UBND các xã đều chưa quan tâm đến việc này.

- Bảy là, việc chuyển hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện để xem xét cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp đã chấp hành xong thời gian thử thách, thời gian phạt cải tạo không giam giữ ở một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy định tại Khoản 3 Điều 62, Khoản 3 Điều 73 Luật THAHS như: hồ sơ bàn giao còn thiếu tài liệu, thời gian chấp hành án đã hết từ lâu nhưng vẫn chưa bàn giao hồ sơ. Theo quy định thì trước khi hết thời gian thử thách, thời gian chấp hành án 03 ngày thì UBND cấp xã phải hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục bàn giao cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện.

- Tám là, việc thiết lập và lưu trữ hồ sơ quản lý thi hành án treo và cải tạo không giam giữ ở một số xã chưa đảm bảo đúng quy định; hồ sơ thường thiếu những tài liệu mà theo quy định tại Điều 68, Điều 80 thì UBND cấp xã có trách nhiệm phải bổ sung như quyết định phân công, bản nhận xét của người được giao giám sát, giáo dục, bản tự nhận xét của bị án, các tài liệu liên quan khác...và khi UBND cấp xã bàn giao hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện thường bàn giao hết mà không có hồ sơ lưu tại đơn vị. Một số đơn vị hồ sơ quản lý còn lộn xộn, không tách riêng tài liệu của từng bị án, hồ sơ không có bìa, không đánh số bút lục, không có bảng kê tài liệu,...

- Chín là, việc mở sổ sách theo dõi thi hành án hình sự và việc ghi chép cập nhật ở một số xã chưa nghiêm túc. Nhiều đơn vị vẫn còn sử dụng mẫu sổ cũ hoặc sổ tự chế để theo dõi chưa đúng theo mẫu quy định tại Thông tư số 63/2011/TT-BCA ngày 07/09/2011 của Bộ Công an về quy định các loại biểu mẫu, sổ sách công tác thi hành án hình sự. Việc ghi chép chưa cập nhật đầy đủ, ghi không chính xác,...

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ của UBND cấp xã trên địa bàn huyện

Để kịp thời khắc phục những vi phạm, tồn tại trong công tác thi hành án phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ, nhằm nâng cao tác dụng hiệu quả giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm của công tác thi hành án hình sự đưa công tác này đi vào nề nếp theo đúng các quy định của pháp luật, trong thời gian tới UBND các xã cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn về công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ.

Hai là, tổ chức rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân để xảy ra vi phạm; khắc phục những vi phạm, tồn tại như đã phân tích ở trên.

Ba là, Lãnh đạo UBND cấp xã phải thường xuyên có sự chỉ đạo và tăng cường kiểm tra việc tổ chức, triển khai thực hiện của các bộ phận tham mưu, giúp việc trong công tác thi hành án hình sự, nhất là Công an cấp xã, để đưa công tác thi hành án phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.

Bốn là, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, chế độ cho lực lượng làm công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ để động viên, khuyến khích anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm là, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của những người chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ tại địa phương; kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu người chấp hành án phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tội phạm góp phần giữ gìn trật tự trị an xã hội.

Sáu là, kịp thời biểu dương, động viên và xem xét đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, giảm thời hạn chấp hành án cho những người chấp hành án có tiến bộ, lao động học tập tốt, lập công,…để khuyến khích người chấp hành án tích cực phấn đấu, cải tạo thành người có ích cho xã hội.

Ngô Văn Tuấn

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,134,814
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.174.204

    Thư viện ảnh