.

Thứ ba, 07/05/2024 -08:11 AM

Viện kiểm sát làm gì khi phát hiện vi phạm tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án trước ngày xét xử ?

 | 

Theo quy định tại khoản 2 điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự và điều 124 Luật tố tụng hành chính, Tòa án gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử kèm theo hồ sơ vụ án dân sự, hành chính cho Viện kiểm sát nghiên cứu trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án để Tòa án tiến hành xét xử vụ án (trong trường hợp VKS tham gia phiên tòa).

Trong khi nghiên cứu một hồ sơ vụ án dân sự, hành chính cụ thể do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát phát hiện ra hồ sơ vụ án đó có những thiếu sót, vi phạm về tố tụng có thể ở các dạng như: Vi phạm về thu thập chứng cứ, tòa án lưu tài liệu phô tô không công chứng, chứng thực…; Vi phạm về cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Vi phạm về việc lập hồ sơ vụ án (đưa thiếu tài liệu…); Vi phạm quy định về thành phần hội đồng xét xử, thư ký tòa án; Vi phạm về việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng; Vi phạm về việc không đưa hoặc đưa sai đương sự vào tham gia tố tụng; Vi phạm về thủ tục ủy quyền, đại diện… Sau khi nghiên cứu xong hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát trả lại cho Tòa án trong thời hạn luật định và chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa theo quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Vấn đề đặt ra ở thời điểm này là Viện kiểm sát sẽ làm gì khi đã phát hiện ra thiếu sót, vi phạm của Tòa án trong khi chưa đến ngày mở phiên tòa xét xử vụ án? Có hai cách làm được đặt ra như sau:

Cách thứ nhất: Tùy từng dạng vi phạm cụ thể, Viện kiểm sát thực hiện việc trao đổi, đề nghị hoặc yêu cầu, kiến nghị Tòa án có biện pháp phù hợp để khắc phục thiếu sót, vi phạm trước ngày mở phiên tòa nhằm tránh việc phải hoãn phiên tòa làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Về lý luận, cách này đảm bảo đúng theo quy định tại khoản 1 điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1, khoản 2 điều 23 Luật tố tụng hành chính.

Tại khoản 1 điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”.

Tại khoản 1, khoản 2 điều 23 Luật tố tụng hành chính quy định: “1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát các vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án;…”

Cách thứ hai: Viện kiểm sát không trao đổi trước với Tòa án mà đợi đến ngày Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án, đại diện Viện kiểm sát sẽ tham gia và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát theo quy định tại điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự và điều 160 Luật tố tụng hành chính. Trong trường hợp này, do hồ sơ vụ án có các thiếu sót, vi phạm ở các dạng nêu trên, thì chắc chắn Kiểm sát viên sẽ đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để khắc phục thiếu sót vi phạm.

Cách làm này không sai luật nhưng thực tiễn cho thấy nếu làm theo cách thứ hai sẽ dẫn đến tình trạng làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, cụ thể như sau: Nếu ở lần mở phiên tòa đầu tiên để xét xử vụ án mà phải hoãn theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát thì chúng ta chưa cần phải quan tâm lắm nhưng thực tế là rất nhiều vụ án đưa ra xét xử lần thứ 2, đến lần thứ 3 hoặc đến lần thứ 4 vẫn phải hoãn phiên tòa vì lý do vắng mặt đương sự là vấn đề chúng ta sẽ cần phải quan tâm bởi, điều đó có nghĩa là đại diện Viện kiểm sát vẫn chưa phát biểu cho Tòa án biết về thiếu sót, vi phạm của họ. Do đó cho đến khi Tòa án mở được phiên  tòa xét xử với thành phần người tham gia tố tụng đã đảm bảo, tòa đã tiến hành đầy đủ các thủ tục bắt đầu, thủ tục hỏi và cho các bên tranh luận xong, đến phần phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát thì đến lúc này Kiểm sát viên mới phát biểu Tòa án có thiếu sót vi phạm cần hoãn phiên tòa để khắc phục. Tòa chấp nhận hoãn phiên tòa, khắc phục thiếu sót vi phạm xong, đưa vụ án ra xét xử lại phải làm lại các thủ tục bắt đầu, thủ tục hỏi, tranh luận. Chúng tôi đánh giá làm như vậy là gây phức tạp, kéo dài thời gian giải quyết vụ án chứ không làm cho vụ án được giải quyết “kịp thời” như quy định tại khoản 1 điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1, khoản 2 điều 23 Luật tố tụng hành chính.

Như vậy, để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án dân sự, hành chính được “kịp thời, đúng pháp luật” chúng tôi tán thành quan điểm người làm công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính nên làm theo cách thứ nhất, đó là khi nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hành chính nếu phát hiện Tòa án có thiếu sót, vi phạm nên chủ động trao đổi với tòa án để bàn biện pháp khắc phục. Trường hợp Tòa án không nhất trí với quan điểm trao đổi của Viện kiểm sát, thì khi tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về tố tụng chúng ta sẽ phát biểu về thiếu sót, vi phạm này của Tòa án và đưa ra đề nghị của mình, nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát thì chúng ta sẽ xem xét đến việc dùng quyền kháng nghị.

Thực tế ở đơn vị chúng tôi, trong thời gian vừa qua chúng tôi đã thực hiện theo cách thứ nhất đối với một số vụ án dân sự, kết quả trao đổi quan điểm đều được Tòa án chấp nhận khắc phục làm cho việc giải quyết các vụ án này được nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật. Qua bài viết này chúng tôi đề xuất lãnh đạo ngành Kiểm sát Bắc Giang quan tâm chỉ đạo thực hiện theo cách thứ nhất như đã phân tích ở trên.

Thạc sĩ Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,850,708
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.12.172

    Thư viện ảnh