ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -15:23 PM

Tòa công nhận thuận tình ly hôn khi chưa đủ chứng cứ

 | 

Thông qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, chúng tôi thấy trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình nổi lên tình trạng hầu hết các vụ Tòa án công nhận thuận tình ly hôn đều chưa đảm bảo đầy đủ chứng cứ chứng minh căn cứ cho ly hôn, cụ thể như sau:

Có rất nhiều vụ án hôn nhân gia đình, trong quá trình giải quyết, Tòa án yêu cầu người chồng và người vợ viết bản tự khai về vấn đề ly hôn của họ, sau đó Tòa tiến hành hòa giải, tại buổi hòa giải, hai bên đều nhất trí ly hôn, Tòa án lập “Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành”, sau 7 ngày kể từ ngày lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành, Tòa án ban hành “Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự”. Đây chính là quyết định của Tòa án cho hai vợ chồng được ly hôn với nhau, quyết định này của tòa án có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Sau khi ban hành công văn yêu cầu Tòa án chuyển một số hồ sơ vụ án Tòa án cho ly hôn nói trên đến Viện kiểm sát để nghiên cứu, chúng tôi thấy Tòa án cho ly hôn chưa đảm bảo chứng cứ chứng minh đã đủ căn cứ cho ly hôn theo đúng quy định tại khoản 1 điều 89 Luật hôn nhân gia đình (Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn).  Bởi lẽ sau: Tại các bản tự khai của người chồng và người vợ đều khai nguyên nhân muốn ly hôn chủ yếu là trong cuộc sống 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, đánh cãi chửi nhau, đã ly thân một khoảng thời gian nhất định nay không còn tình cảm vợ chồng nên đồng ý ly hôn. Tòa án chỉ căn cứ vào lời khai của người chồng và người vợ như đã nêu trên để xác định đã đảm bảo căn cứ cho ly hôn theo quy định tại khoản 1 điều 89 Luật hôn nhân gia đình theo quan điểm của chúng tôi là chưa đủ căn cứ vì chưa có chứng cứ chứng minh lời khai về mâu thuẫn vợ chồng là đúng như họ đã khai. Nếu cho rằng chỉ cần hai vợ chồng khai như vậy là đảm bảo căn cứ cho ly hôn thì sẽ tạo kẽ hở cho tình trạng  ly hôn giả (thực tế ở một số địa phương đã phát hiện nhiều cặp vợ chồng giả vờ ly hôn để nhằm các mục đích như giả kết hôn với người nước ngoài để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc để tránh bị kỷ luật vì sinh con thứ ba hoặc để tạo điều kiện cho người phải thi hành án phạt tù được hoãn thi hành vì là người lao động duy nhất trong gia đình...). Theo chúng tôi, để đảm bảo căn cứ cho ly hôn, ngoài bản tự khai của hai vợ chồng, Tòa án cần căn cứ vào quy định tại khoản 1 điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự yêu cầu họ cung cấp chứng cứ chứng minh lời khai của họ về mâu thuẫn vợ chồng là có thật. Chẳng hạn như để chứng minh họ có thường xuyên đánh cãi chửi nhau hay không thì phải có xác nhận của ban lãnh đạo thôn, xóm, tổ dân phố nơi vợ chồng họ sinh sống, để chứng minh họ đã ly thân thì phải có xác nhận của ban lãnh đạo thôn, xóm, tổ dân phố nơi người vợ, người chồng sinh sống trong thời gian ly thân. Để có được các bản xác nhận này thì Tòa yêu cầu đương sự giao nộp chứng cứ hoặc Tòa án có thể sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự như tiến hành lấy lời khai của người làm chứng như Trưởng thôn, công an viên thôn, người hàng xóm láng giềng, con cái, cha mẹ…Có những biện pháp thu thập, bổ sung chứng cứ như vậy mới đủ tài liệu để Tòa xem xét tình trạng đã trầm trọng hay chưa, đời sống chung có thể hay không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân có đạt hay không đạt để từ đó quyết định cho ly hôn hay không cho ly hôn mới chính xác được.

Như vậy, có thể nói đây là tình trạng diễn ra khá phổ biến, Viện kiểm sát khó phát hiện do luật không quy định Tòa án phải chuyển hồ sơ các vụ án này cho Viện kiểm sát nghiên cứu. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, mà chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng do số lượng hồ sơ dạng này nhiều, việc kháng nghị giám đốc thẩm sẽ có nhiều bất cập, Viện kiểm sát nên ban hành kiến nghị khắc phục tình trạng này là phù hợp hơn. Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn các đồng nghiệp quan tâm nghiên cứu để có biện pháp khắc phục, kính mong Viện KSND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, tổng hợp để ban hành kiến nghị với Tòa án nhân dân tỉnh.

Thạc sĩ Đặng Bá Hưng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,552,153
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.137.10

    Thư viện ảnh