ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -17:45 PM

Tòa án sơ thẩm giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản có tài sản vay bằng ngoại tệ không đúng

 | 

Ngày 02/10/2011 anh Đọc cho vợ chồng ông Thư, bà Tới vay 4.500 Đô la Mỹ (USD), có lập giấy vay nợ. Theo giấy vay nợ thì các bên thỏa thuận về lãi suất là 1.800.000 đồng/01 tháng/4.500 USD, khi nào anh Đọc cần tiền thì ông Thư, bà Tới phải có trách nhiệm thanh toán trả toàn bộ số tiền gốc và lãi. Quá trình vay nợ ông Thư, bà Tới đã thanh toán trả được cho anh Đọc 5.400.000 đồng tiền lãi vào các tháng 10,11, 12 năm 2011. Sau đó anh Đọc đòi tiếp số nợ còn lại thì ông Thư, bà Tới không trả. Anh Đọc yêu cầu ông Thư, bà Tới phải trả số nợ gốc là 4.500 USD và lãi suất theo quy định của pháp luật.

Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2013/DSST ngày 05/4/2013 của Tòa án nhân dân huyện L đã áp dụng các Điều 471, 474, 476 Bộ luật dân sự; điểm b khoản 2 Điều 199, khoản 3 Điều 202, Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự, xử: Buộc ông Thư, bà Tới phải trả anh Đọc số tiền gốc là 4.500 USD và lãi suất 5.172.000 đồng. Buộc ông Thư, bà Tới phải chịu 4.961.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vi phạm của Tòa án sơ thẩm

Hợp đồng vay tài sản giữa anh Đọc với vợ chồng ông Thư, bà Tới trong đó tài sản vay nợ là ngoại tệ (USD). Tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28//2005/PLUBTVQH 11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Điều 29 Nghị Định số 160/2006/NĐ- CP ngày 28/12/2006 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối quy định : "Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối..". Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên thì thấy việc vay nợ giữa ông Thư, bà Tới với anh Đọc là giao dịch trái pháp luật. Do vậy, cần phải xác định hợp đồng vay tài sản nêu trên là vô hiệu và áp dụng quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Cụ thể, vợ chồng ông Thư, bà Tới phải trả cho anh Đọc số nợ gốc theo kết quả quy đổi ngoại tệ ra tiền Việt Nam. Về lãi suất, theo quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Công văn số 81/2012/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ thì lãi suất các bên đã trả cho nhau từ giao dịch trái pháp luật được coi là thu lợi bất chính. Do vậy, cần phải truy thu số tiền lãi  anh Đọc đã nhận của vợ chồng ông Thư, bà Tới để tịch thu sung công quỹ theo quy định của pháp luật.

Do ông Thư kháng cáo bản án sơ thẩm, nên Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đưa vụ án nêu trên ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2013/DS- PT ngày 31/7/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã xử: Chấp nhận kháng cáo của ông Thư, sửa án sơ thẩm. Tuyên bố hợp đồng vay tài sản giữa anh Đọc và ông Thư, bà Tới vô hiệu. Buộc ông Thư, bà Tới phải trả anh Đọc số tiền 4.500 USD quy đổi ra tiền Việt Nam là  94.050.000 đồng. Buộc anh Đọc phải nộp lại số tiền 5.400.000 đồng để tịch thu sung công quỹ Nhà nước./.

Nguyễn Đức Sơn

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,799,057
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.131.51

    Thư viện ảnh