.

Thứ sáu, 17/05/2024 -15:33 PM

Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các hành vi Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự

 | 

Tại Điều 232- Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định một số tình tiết để định khung hình phạt là vật phạm pháp có số lượng “lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn”; gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”. Tuy nhiên, trong quá trình áp hành pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc xác định thế nào là vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng để vận dụng giải quyết đúng đắn, chính xác các vụ án hình sự về tội danh này. 

Thực tiễn quá trình giải quyết 1 số vụ án cụ thể sau cho thấy, người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ. Ví dụ:

Khoảng 2 giờ ngày 12/12/2011, Cơ quan Công an đã bắt quả tang 5 đối tượng gồm Lê Văn H, Nguyễn Văn V, Ân Văn K, Tạ Văn B và Leo Văn B về hành vi vận chuyển trái phép 300 kg thuốc nổ. Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, đây là thuốc nổ Amonít do Công ty Z 121 Bộ Quốc phòng sản xuất. Các đối tượng khai nhận số thuốc nổ trên được mua gom từ các công nhân khai thác mỏ đá ở Thái Nguyên rồi vận chuyển đến địa điểm khai thác vàng, khi đang trên đường vận chuyển thì bị bắt giữ. Hành vi này của các đối tượng đã bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử về tội Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ theo Khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự (vận dụng theo Thông tư liên ngành số 01 ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ - sau đây gọi tắt là Thông tư 01 hướng dẫn xử lý đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ) . Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là nếu áp dụng Thông tư liên tịch số 06/TTLT ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt là thông tư 06) hướng dẫn xử lý đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ thì từ 200 kg thuốc pháo trở lên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 232- BLHS.

Tại Điều 96 BLHS năm 1985 về tội Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ chỉ quy định tình tiết định khung tại khoản 2 là “vật phạm pháp có số lượng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng”; tại khoản 3 là “phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng” mà không quy định hành vi vận chuyển và các tình tiết định khung là vật phạm pháp có số lượng rất lớn, đặc biệt lớn; gây hậu quả rất nghiêm trong, đặc biệt nghiêm trọng như Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực pháp luật cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của cơ quan nhà nước hướng dẫn thi hành Điều 232 BLHS; đồng thời cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào  thay thế Thông tư  01. Vì vậy đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng Thông tư 01 vào giải quyết các vụ án Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 232- BLHS.

Từ thực tế giải quyết vụ án nêu trên cho thấy mặc dù số lượng thuốc nổ các bị cáo tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép là lớn hơn 75 kg (mức tối đa quy định tại Thông tư  01), nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn nên theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xác định vật phạm pháp có số lượng "rất lớn" để xét xử các bị cáo theo Khoản 3 Điều 232- BLHS.

Tại Thông tư  01 quy định thuốc nổ các loại từ 15 đến 75 kg, thuốc pháo từ 30 đến 150 kg thì coi là vật phạm pháp với số lượng lớn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 96 BLHS năm 1985 (tương ứng với điểm b khoản 2 Điều 232- BLHS năm 1999). Tuy nhiên, tại Thông tư 06 lại hướng dẫn thuốc pháo từ 15 đến 75 kg truy tố theo Khoản 2; từ 75 đến  200 kg thì truy tố theo Khoản 3 và từ 200 kg trở lên truy tố theo Khoản 4 Điều 232- BLHS. Như vậy, xét về tính chất thì thuốc nổ nguy hiểm hơn thuốc pháo, nhưng trên thực tế hiện nay khi truy cứu trách nhiệm hình sự với số lượng vật phạm pháp là thuốc nổ lại nhẹ hơn thuốc pháo. Cụ thể là vật phạm pháp từ 200 kg thuốc pháo trở lên nếu áp dụng Thông tư 06 thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 232, nhưng nếu vật phạm pháp là trên 300 kg thuốc nổ mà áp dụng Thông tư 01 thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 232 BLHS.

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật nêu trên, xét thấy liên ngành tư phápTrung ương cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về số lượng vật phạm pháp đối với các hành vi quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự, đảm bảo việc xử lý đối với tội phạm này được nghiêm minh và thống nhất./.

Nguyễn Thị Hồng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,920,780
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.18.112.250

    Thư viện ảnh