.

Thứ sáu, 17/05/2024 -15:33 PM

Vướng mắc trong việc xác định trường hợp “tái phạm”, "tái phạm nguy hiểm" trong vụ án hình sự.

 | 

Vấn đề xác định thế nào là “tái phạm”, “tái phạm nguy hiểm” đã được quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như: Nghị Quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000, Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12/5/2006. Tuy nhiên, qua thực tế giải quyết các vụ án hình sự của VKSND thành phố Bắc Giang trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy rằng, vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa được thống nhất. Để có cơ sở áp dụng pháp luật một cách chính xác, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, dưới đây tôi xin nêu một số vụ án cụ thể để cùng trao đổi, đánh giá và đưa ra quan điểm của mình trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành.

Vụ thứ nhất: Khoảng 05 giờ ngày 14/01/2013, tại khu vực bờ đê Chi Ly, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động bắt quả tang Vũ Quốc B, sinh năm 1972 trú tại Thị Trấn Đ, Huyện L, Tỉnh Bắc Giang có hành vi tàng trữ trái phép 0,085 gam ma túy Hêrôin với mục đích để sử dụng. Vụ việc được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.

Về nhân thân Vũ Quốc B được xác định như sau: Tại bản án số 30/HSST ngày 13/12/2002 của Tòa án nhân dân thị xã B đã xử phạt Vũ Quốc B 01 năm tù về tội “ Trộm cắp tài sản” và 02 năm tù về tội “ Tàng trữ trái phép chất ma túy” . Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 03 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 08/7/2002. Áp dụng khoản 5 Điều 194 Bộ luật hình sự phạt bổ sung Vũ Quốc B 05 triệu đồng.

Biên bản xác minh ngày 14/01/2013 của Cơ quan điều tra tại Chi cục thi hành án huyện L xác định: Vũ Quốc B chưa thi hành xong hình phạt bổ sung tại bản án số 30/HSST ngày 13/12/2002 nói trên.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử  có nhiều quan điểm khác nhau về việc có áp dụng tình tiết “tái phạm” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với  Vũ Quốc B hay không. Cụ thể là:

Quan điểm 1: Không thể áp dụng tình tiết “tái phạm” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS đối với Vũ Quốc B được vì B có hành vi tàng trữ 0,085g ma túy Hêrôin với mục đích để sử dụng. Nếu căn cứ điểm a tiểu mục 3.7 mục 3 phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII "các tội phạm về ma túy của Bộ luật hình sự năm 1999" thì hành vi của B chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (lượng Heroin dưới 0,1g). Tuy nhiên, do B đã bị kết án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” nhưng chưa được xóa án tích. Do vậy, hành vi của Vũ Quốc B lần này bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 194 BLHS là có căn cứ. Trong trường hợp này, bản án số 30/HSST ngày 13/12/2002 được xác định là tình tiết để định tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy" đối với B, nên theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại điểm a, b tiểu mục 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì không thể áp dụng tình tiết "tái phạm" đối với Vũ Quốc B.

Quan điểm 2: Lần phạm tội này của Vũ Quốc B thuộc trường hợp "tái phạm", do vậy phải coi đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với Vũ Quốc B. Việc xác định như vậy dựa trên các căn cứ sau:

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Bộ luật hình sự thì: Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

+ Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 3.7 mục 3 phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp quy định "Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt một trong các chất ma túy có số lượng được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.6 trên đây, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự".

Như vậy, có thể xem bản án số 30/HSST ngày 13/12/2002 đã kết tội đối với Vũ Quốc B về hai tội độc lập được quy định trong Bộ luật hình sự. Do B bị xét xử cùng một lần nên HĐXX đã tổng hợp hình phạt đối với B theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự. Do đó, phải coi việc B bị kết án về tội "tàng trữ trái phép chất ma túy" là tình tiết để định tội trong lần phạm tội ngày 14/01/2013, còn bị kết án về tội "trộm cắp tài sản" là căn cứ để xác định "tái phạm". Điều này hoàn toàn thỏa mãn yếu tố "đã bị kết án" quy định tại khoản 1 Điều 49 BLHS cũng như hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17 và hướng dẫn tại điểm a, b tiểu mục 7.3 mục 7 Nghị quyết số 01/2006 nêu trên. Mặt khác, có áp dụng tình tiết "tái phạm" đối với B thì mới đánh giá đúng tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội của Vũ Quốc B, đảm bảo sự công bằng trong xử lý.

Ví dụ 2:  Hồi 18 giờ 15 phút ngày 08/4/2013, tại khu vực Chi Ly 1, phường Trần phú, thành phố Bắc Giang, Tổ công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Giang bắt quả tang Nguyễn Đức T có hành vi tàng trữ 0,242 gam Hêrôin với mục đích để sử dụng.

Kết quả điều tra xác định về nhân thân của T như sau:

            + Tại bản án số 76/2006/HSST ngày 29/5/2006 của Tòa án nhân dân thành phố xử phạt T 10 tháng tù về tội "trộm cắp tài sản" (tài sản có giá trị 8,5 triệu đồng) và 10 tháng tù về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ". Tổng hợp hình phạt buộc T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 20 tháng tù.

            + Tại bản án số 09/2008/HSST  ngày 30/1/2008 của Tòa án nhân dân thành phố, Nguyễn Đức T bị xử phạt 08 tháng tù về tội "trộm cắp tài sản" (tài sản có giá trị 650.000 đồng). Tại bản án này, HĐXX có áp dụng tình tiết "tái phạm" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự là tình tiết tăng nặng đối với T. Kết quả xác minh thi hành án, ngày 05/6/2013 T mới được miễn thi hành phần án phí nên cả hai bản án đều chưa được xóa án tích.

Căn cứ vào nội dung vụ án như trên, cũng tương tư như vụ án thứ nhất, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, có hai quan điểm về cách tính tiền án đối với T để áp dụng tình tiết "tái phạm nguy hiểm". Quan điểm 1 cho rằng: bản án năm 2006 (được coi là 01 tiền án) là tình tiết định tội đối với T để xét xử hành vi "trộm cắp tài sản" năm 2008, nên lần phạm tội này của T chỉ thuộc trường hợp "tái phạm". Quan điểm 2 cho rằng, lần phạm tội ngày 08/4/2013 của T thuộc trường hợp "tái phạm nguy hiểm" vì bản án năm 2006 đã kết án T về 2 tội độc lập được quy định trong BLHS. Do đó phải truy tố, xét xử Nguyễn Đức T theo khoản 2 Điều 194 Bộ luật hình sự.

Qua hai vụ án cụ thể trên đây, quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Tức là, vụ án thứ nhất thì phải áp dụng tình tiết "tái phạm" đối với B, còn ở vụ án thứ 2 phải áp dụng tình tiết "tái phạm nguy hiểm" đối với T khi truy tố, xét xử. Tuy nhiên, qua trao đổi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn có những quan điểm khác nhau khi xử lý. Để thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, thấy rằng cần thiết phải nêu để bạn đọc cùng trao đổi, đảm bảo cho việc xử lý được chính xác./.

Lưu Thị Lệ Phương

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,920,771
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.18.112.250

    Thư viện ảnh