ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác phân loại, xử lý đơn trong hoạt động tư pháp

 | 

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội, là điểm sáng về kinh tế trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh cũng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp phát sinh trong đời sống xã hội như: Gia tăng các tranh chấp liên quan đến đất đai; việc thu hút đầu tư và lao động nhập cư làm dân số cơ học tăng nhanh, kéo theo áp lực về an ninh, trật tự; số lượng vụ việc hình sự, tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thụ lý, giải quyết tăng về số lượng và tính chất phức tạp… Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp (gọi chung là đơn trong hoạt động tư pháp) có chiều hướng tăng, nội dung đa dạng, phức tạp. Không ít trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây áp lực, khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng, dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn trong hoạt động tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang nói riêng. Đây là khâu quan trọng để phát hiện vi phạm, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khắc phục sai sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đồng thời là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, số lượng đơn gửi đến Viện kiểm sát hai cấp ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, phức tạp, do đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân loại, xử lý đơn. Thực tế cho thấy,nếu thực hiện tốt việc phân loại, xử lý ban đầu sẽ tạo tiền đề để việc giải quyết đơn được đúng thẩm quyền, đúng trình tự, ngược lại, nếu việc phân loại, xử lý đơn không chính xác, không kịp thời, không đúng thẩm quyền sẽ dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết, đơn được chuyển lòng vòng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Kiểm sát, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Nhìn chung, công tác phân loại, xử lý đơn tại VKSND hai cấp (tỉnh và huyện)  luôn được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, trên thực tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều khiếu nại, tố cáo bức xúc, gay gắt, kéo dài đã được giải quyết, xử lý dứt điểm; trách nhiệm của công chức được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được còn xảy ra một số vi phạm, tồn tại, hạn chế như: Có đơn vị còn lúng túng trong việc phân loại đơn, đặc biệt là đối với đơn có nhiều nội dung phức tạp, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan; có trường hợp phân loại không đúng dẫn đến xử lý chưa chuẩn xác khiến công dân tiếp tục có đơn; công tác phối hợp giữa các bộ phận nghiệp vụ, giữa Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan trong việc phân loại đơn có mặt còn hạn chế. Việc sử dụng phần mềm quản lý đơn chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên… Mặt khác, các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác phân loại, xử lý đơn còn nằm rải rác, có trường hợp phải tra cứu nhiều vănbản mới có căn cứ để phân loại đơn; có những hướng dẫn đã không còn phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác phân loại, xử lý đơn.

Các tồn tại, hạn chế xuất phát từ các nguyên nhânkhách quan: Một số đơn có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan nên việc xác minh, xử lý mất nhiều thời gian; các quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập. Khối lượng công việc của ngành Kiểm sát nhân dân nhiều, một số cán bộ, Kiểm sát viên được phân công công tác kiểm sát và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp còn thực hiện nhiều khâu công tác khác dẫn đến chưa dành thời gian nghiên cứu các quy định của pháp luật, Quy chế, hướng dẫn của ngành khi thực hiện nhiệm vụ.Về nguyên nhân chủ quan:Công tác kiểm tra, chỉ đạo một số đơn vị có lúc, có việc còn chưa được thường xuyên, sâu sát, kịp thời. Nhận thức, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, Kiểm sát viên có lúc, có việc còn hạn chế. Có đơn vị bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn chưa phù hợp về trình độ, kinh nghiệm.

Để nâng cao chất lượng công tác phân loại đơn trong hoạt động tư pháp, VKSND hai cấp cần nghiên cứu, thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:      

1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế, hướng dẫn của Ngành, quy định của địa phương liên quan đến công tác kiểm sát và giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp. Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu những quy định pháp luật mới liên quan đến khâu công tác này, nhất là trong thời điểm sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra. Lãnh đạo các đơn vị cần xác định rõ công tác tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn là nhiệm vụ chính trị, pháp lý quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, kiểm sát viên về trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ uy tín, hình ảnh của Ngành thông qua việc phân loại, xử lý đơn đúng quy định pháp luật.

2. Quá trình phân loại, xử lý đơn cần linh hoạt, nghiên cứu kỹ nội dung đơn, đối chiếu các quy định của pháp luật, quy định, quy chế, hướng dẫn của Ngành như: Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Thi hành án dân sự; Luật Thi hành án hình sự; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018, quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo; Thông tư liên tịch số 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 27/02/2025 của Liên ngành Trung ương quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện; Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao; Hướng dẫn số 13/HD-VKSTCngày 11/6/2024 của VKSND tối cao về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trong ngành Kiểm sát nhân dân, các văn bản giải đáp khó khăn, vướng mắc của VKSND tối caođể đề xuất đường lối phân loại, xử lý đơn đúng quy định của pháp luật, hợp tình, hợp lý.

3. Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn phải kịp thời, chính xác, đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức. Cần xác định việc phân loại đơn là cơ sở quan trọng trong việc bảo đảm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định, quy trình. Ngoài ra, việc theo dõi, tổng hợp nắm chắc và đầy đủ các kết quả giải quyết đơn trước đó sẽ là cơ sở cho việc giải quyết chính xác đối với những vụ việc đã được giải quyết mà người khiếu nại, tố cáo tiếp tục có đơn. Đối với những đơn xuất phát từ vụ việc, vụ án phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, cần thận trọng trong quá trình phân loại, xử lý, chủ động phối hợp liên ngành, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ việc phân loại, xử lý. Quá trình phân loại, xử lý đơn có nội dung phức tạp, đơn chưa rõ nội dung cần làm việc trực tiếp với công dân để tiếp nhận, làm rõ thông tin, từ đó có hướng phân loại, xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật...

4. VKSND hai cấp cần phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị- xã hội, báo chí, truyền thông tiếp tục có biện pháp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KNTC) nói riêng cho nhân dân, nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình KNTC, tránh KNTC vượt cấp, nhiều lần đến nhiều cơ quan hoặc khiếu kiện kéo dài, làm mất nhiều thời gian xem xét, giải quyết. Việc tuyên truyền cần thường xuyên, rộng rãi, đổi mới, linh hoạt cả về nội dungvàhình thức.

5. Quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thường xuyên tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác phân loại, xử lý đơn để đề xuất Quốc hội, VKSND tối cao, liên ngành trung ương có biện pháp hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thống nhất giữa các cơ quantố tụng.

7. Tiếp tục kiện toàn, bố trí cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp tốt để trực tiếp phân loại, xử lý đơn; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC để nâng cao kỹ năng, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công tác.

8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đơn: Thiết lập sổ điện tử quản lý đơn, tiếp tục khai thác, hoàn thiện phần mềm quản lý đơn… Việc bảo đảm cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về quá trình tiếp nhận, xử lý và kết quả giải quyết sẽ giúp việc tra cứu, theo dõi, thống kê, báo cáo được thực hiện thuận tiện, chính xác, từ đó giúp việc phân loại, xử lý đơn được hiệu quả.

Nguyễn Thùy Trang- Thanh tra-Khiếu tố

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:37,320,967
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:216.73.216.218