Trực tiếp kiểm sát hằng ngày tại Nhà tạm giữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ này, Kiểm sát viên cần nắm vững căn cứ pháp luật, quy trình tiến hành để kịp thời phát hiện vi phạm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam.
Theo điểm a khoản 3 Điều 48 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 259/QĐ-VKSTC ngày 20/7/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) thì phạm vi trực tiếp kiểm sát hằng ngày tại Nhà tạm giữ là kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam và kiểm sát hồ sơ quản lý người bị tạm giữ, tạm giam. Khi kiểm sát hằng ngày, Kiểm sát viên cần nghiên cứu và kiểm sát các nội dung theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Một số lưu ý cụ thể như sau:
- Kiểm sát việc tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam:
+ Kiểm tra thông tin để xác định cơ sở giam giữ tiếp nhận đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền.
+ Kiểm sátviệc lập biên bản giao, nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần chú ý về hình thức, phải thực hiện theo mẫu của Bộ Công an; về nội dung, phải phản ánh đầy đủ thông tin về thời gian giao nhận; bên giao - bên nhận; đối tượng được giao nhận; tài liệu được giao nhận gồm bao nhiêu trang.
+ Khi kiểm sátPhiếu khám sức khỏe, Kiểm sát viên cần lưu ý phần tự khai về tiền sử bệnh tật, sử dụng ma túy hay nhiễm HIV/AIDS phải có chữ ký của người bị tạm giữ, người bị tạm giamvì đây là nội dung rất quan trọng liên quan đến quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam như quyền được chăm sóc y tế, được trợ giúp pháp lý…Trường hợp khi tiếp nhận chưa tổ chức khám sức khỏe ngay được thì cán bộ tiếp nhận có hỏi để ghi biên bản ghi nhận tình trạng sức khỏe của họ không. Trường hợp phát hiện biên bản bắt giữ, biên bản ghi lời khai thể hiện người bị bắt có dấu vết thương tích trên thân thể do quá trình bỏ chạy, bắt giữ... nhưng Phiếu khám sức khỏe không phản ánh nội dung này thì Kiểm sát viên cần yêu cầu cơ sở giam giữlàm rõ để xác định trách nhiệm để kịp thời có biện pháp tác động.
+ Kiểm sát việc lập danh bản, chỉ bản người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải bảo đảm thực hiện đúng thời hạn. Kiểm tra kỹ các thông tin trong danh chỉ bản như họ tên, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu….phải trùng khớp với định danh điện tử, tránh sơ xuất sẽ liên quan đến việc thi hành án sau này.
+ Kiểm sát biên bản phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ và nội quy của Nhà tạm giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần chú ý về thời điểm lập biên bản (sau khi đưa người bị tạm giữ vào Nhà tạm giữ) và nội dung biên bản (đầy đủ theo mẫu của Bộ Công an); biên bản phải cho người bị tạm giữ, tạm giam ký tên.
- Kiểm sát hồ sơ quản lý người bị tạm giữ, tạm giam:
Kiểm sát viên phải đối chiếu giữa tài liệu với bảng thống kê, bảo đảm hồ sơ phải lưu giữ đầy đủ các văn bản được quy định tại Điều 17 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam gồm: Tài liệu do cơ quan tố tụng chuyển giao khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam như: các lệnh, quyết định, biên bản về việc bắt tạm giữ, gia hạn tạm giữ, các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát…Tài liệu lưu giữ trong hồ sơ phải thể hiện người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang được tạm giữ, tạm giam bằng tài liệu hợp pháp, có giá trị, còn thời hạn. Quá trình kiểm sát chú ý đọc kỹ các thông tin trong các lệnh, quyết định đó có đúng không? Có sai sót gì không? Nếu phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên phải trích yếu hồ sơ, chỉ rõ vi phạm, nêu căn cứ pháp lý của vi phạm.
Mục đích của hoạt động kiểm sát này nhằm đánh giá về thủ tục và trách nhiệm của cán bộ Nhà tạm giữ trong việc tiếp nhận, đối chiếu, soát xét tính có căn cứ, hợp pháp của tài liệu đang được lưu giữ trong hồ sơ và trách nhiệm của Nhà tạm giữ trong việc lập hồ sơ, cập nhật tài liệu.
Ngoài ra, khi kiểm sát hằng ngày, Kiểm sát viên cần kiểm sát sổ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam có được cập nhật đầy đủ hằng ngày không? Kiểm sát viên cần nắm chắc số người bị bắt tạm giữ, tạm giam (theo tài liệu cơ quan tố tụng chuyển cho Viện kiểm sát) trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát hằng ngày để đối chiếu với sổ quản lý tạm giữ, tạm giam của Nhà tạm giữ. Kiểm sát việc cán bộ Nhà tạm giữ có cập nhật đầy đủ về thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam trong sổ theo các cột, mục hay không? nếu chưa được cập thì yêu cầu khắc phục.
Khi trực tiếp kiểm sát hằng ngày, nếu phát hiện cơ quan điều tra chậm giao người bị giam giữ, người bị tạm giam cho Nhà tạm giữ thì Kiểm sát viên yêu cầu Nhà tạm giữ cho gặp, hỏi trực tiếp người bị tạm giữ, tạm giam để hỏi về việc thời gian giao người bị tạm giữ, tạm giam khi nào? Đối chiếu với biên bản giao nhận người bị tạm giữ, tạm giam có phù hợp lời trình bày của họ không? Kiểm sát viên cần xác minh để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm giao người. Quá trình gặp, hỏi trực tiếp người bị tạm giữ, tạm giam cần hỏi về chế độ ăn, ở, mặc, tư trang của họ có đảm bảo theo quy định tại Điều 27, 28 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Nghị định số 113/2021/NĐ-CP ngày 14/12/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ hay không? Nếu có dấu hiệu vi phạm thì cần làm việc với cán bộ Nhà tạm giữ để xác minh làm rõ nội dung vi phạm.
Kết thúc hoạt động kiểm sát hằng ngày, Kiểm sát viên phải lập biên bản kiểm sát để ghi nhận đầy đủ những nội dung đã kiểm sát; những vi phạm, tồn tại đã phát hiện (nếu có) và phải có chữ ký xác nhận của cán bộ Nhà tạm giữ. Biên bản kiểm sát được thực hiện theo mẫu số 80/TH ban hành theo Quyết định số259/QĐ-VKSTCngày 20 tháng 7 năm 2023 của Viện trưởng VKSND tối cao./.
Trần Lệ Toàn- VKSND huyện Tân Yên