Sau khi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Dương Quỳnh - VKSND thành phố Bắc Giang được đăng tải, Ban Biên tập Trang tin điện tử nhận được 05 ý kiến trao đổi của các tác giả là cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát Bắc Giang. Ban Biên tập tổng hợp như sau:
1. Có 03 ý kiến đồng tình với quan điểm thứ nhất trong bài viết (cùng quan điểm của tác giả Nguyễn Thị Dương Quỳnh), xác định hành vi của Nguyễn Văn H cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và H phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, gồm các tác giả Hà Thị Hiên - VKSND huyện Lạng Giang, Phạm Thị Hồng - VKSND huyện Yên Thế, Nguyễn Đức Tùng - Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giang.
Các tác giả Hà Thị Hiên, Phạm Thị Hồng, Nguyễn Đức Tùng lập luận như sau: Theo hướng dẫn tại mục 3 phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì: “Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”.
Như vậy, lần phạm tội này của Nguyễn Văn H thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự vì H đã bị kết án 02 lần về tội “Trộm cắp tài sản” chưa được xoá án tích nay lại tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản nên H không thỏa mãn việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, mặc dù các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Do đó, hành vi của H cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và H phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
2. Có 02 ý kiến đồng tình với quan điểm thứ hai trong bài viết, xác định hành vi của Nguyễn Văn H thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự, gồm các tác giả Ngô Đức Nghiêm - VKSND huyện Yên Thế, Nguyễn Tiến Đạt - Phòng 8 VKSND tỉnh Bắc Giang.
Tác giả Ngô Đức Nghiêm phân tích: Nguyễn Văn H đã có 02 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” chưa được xóa án tích (Bản án ngày 15/5/2023, số tiền trộm cắp là 5.000.000 đồng) đã xác định H phạm tội thuộc trường hợp tái phạm. Đối với lần phạm tội này thì trong một thời gian liên tục từ 21 giờ đến 23 giờ ngày 22/11/2024, H đã 03 lần trộm cắp tiền công đức tại 03 ngôi đình khác nhau với tổng số tiền là 2.500.000 đồng (mặc dù các lần trộm cắp đều dưới 2.000.000 đồng). Vì vậy, có thể vận dụng Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/01/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ", phải cộng tổng số tiền H đã trộm cắp là 2.500.000 đồng xác định là 01 lần trộm cắp. H đã có 02 tiền án về tội Trộm cắp tài sản chưa được xóa án tích. Vì vậy lần phạm tội này của H là "Tái phạm nguy hiểm" theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS.
Tác giả Nguyễn Tiến Đạt phân tích: Tại mục 5 Phần II Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Bộ Công an- Bộ Tư pháp-Tòa án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối caohướng dẫn:“5. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương úng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian”
Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật nêu trên thì hành vi trộm cắp tài sản của Nguyễn Văn H được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian (từ 21 giờ đến 23 giờ ngày 22/11/2024), với tổng giá trị tài sản của 3 lần trộm cắp là 2.500.000 đồng nên H bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”. Tuy nhiên, do H đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý nên lần phạm tội này của H thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Tác giả Hoàng Văn Quý - Thành viên Ban biên tập có ý kiển trao đổi như sau: Nguyễn Văn H đã bị kết án 02 lần về tội “Trộm cắp tài sản” chưa được xoá án tích nay lại tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản. Mặc dù các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau (03 lần trộm cắp tiền công đức tại 03 ngôi đình khác nhau với tổng số tiền là 2.500.000 đồng, mỗi lần đều dưới 2.000.000 đồng), tuy nhiên mỗi lần trộm cắp tài sản này của Nguyễn Văn H đều thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm vì thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này). Do vậy, hành vi của H cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và H phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Ban Biên tập trang tin tổng hợp để đồng nghiệp và bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi./.
Ban Biên tập