Nguyễn Văn H đã có 02 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” chưa được xóa án tích, trong đó bản án số 15 ngày 15/5/2023 xác định H phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tài sản mà H trộm cắp tại bản án này trị giá 5.000.000 đồng. Ngày 15/10/2024, H chấp hành xong án phạt tù.
Từ khoảng 21 giờ đến 23 giờ ngày 22/11/2024, H liên tiếp thực hiện hành vi trộm cắp tiền công đức tại 03 ngôi đình khác nhau trên địa bàn một xã thuộc thành phố Bắc Giang, số tiền trộm cắp lần lượt là 1.000.000 đồng; 700.000 đồng và 800.000 đồng. Tổng số tiền H trộm cắp của 03 vụ là 2.500.000 đồng.
Hiện nay có 02 quan điểm về việc định khung hình phạt đối với H về lần phạm tội nêu trên, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất: H đã có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, chưa được xóa án tích nay lại tiếp tục thực hiện hành vi “Trộm cắp tài sản” của 03 bị hại khác nhau, mỗi hành vi trộm cắp đều dưới 2.000.000 đồng nên hành vi của H cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và H phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai: H trộm cắp tài sản của 03 bị hại khác nhau, mỗi hành vi trộm cắp đều dưới 2.000.000 đồng, tuy nhiên các hành vi trộm cắp tài sản của H được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian nên H bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” với tổng giá trị tài sản H trộm cắp là 2.500.000 đồng. Do H đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý nên lần phạm tội này của H thuộc trường hợp “Tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Dương Quỳnh- VKSND thành phố Bắc Giang