Hà Văn P và chị Lê Thị M đều là nhân viên có ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh X (viết tắt là Công ty). Đến tháng 7/2023, P nghỉ việc và App Ship của P cũng bị khóa. Đầu tháng 8/2023 do lượng hàng về bưu cục nhiều, chị M đang đi du lịch nước ngoài nên chị M và chị Nguyễn Thị T (quản lý khu vực của Công ty tại thành phố B) thống nhất bảo P sử dụng App Ship của chị M để đi giao hàng; P được hưởng 7.000đ/1 đơn hàng phát thành công, ngoài ra không được quyền lợi gì khác.
Từ ngày 20/8/2023, P giao đơn hàng cho khách và thu tiền COD, tiền cước của khách nhưng không mang về nộp cho Công ty mà sử dụng để chi tiêu cá nhân. Để tránh bị phát hiện, P báo giao hàng không thành công trên App Ship, sau đó 2-3 ngày mới quét lại mã đơn hàng và báo giao thành công. Để bù lại số tiền P đã lấy của đơn hàng cũ thì hôm sau P chọn những đơn hàng mới có giá trị tương tự để đi giao, thu tiền của khách hàng rồi nộp về cho công ty cho đơn hàng cũ để báo giao được thành công, còn đơn hàng mới đã giao thì lại báo trên App Ship là giao hàng không thành công, cứ như vậy, hành vi của P được gọi là “Gối đơn”.
Đến ngày 24/8/2023, P nảy sinh ý định chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã “Gối đơn” từ những ngày trước và tiền COD, cước thu được từ khách hàng trong ngày rồi nghỉ việc, chiếm đoạt tổng số tiền là 45.000.000 đồng của 30 đơn hàng.
Hành vi phạm tội của Hà Văn P, có 02 quan điểm về tội danh, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất: Do chị M đang đi du lịch nước ngoài nên nhờ P sử dụng App Ship của chị M để chạy giao hàng cho Công ty dưới sự đồng ý của chị T là quản lý của Công ty. Theo điều khoản của hợp đồng ký với công ty thì nếu làm thất thoát tiền chị T phải bồi thường khách hàng. Trong trường hợp này, chị T tín nhiệm P nên đã đồng ý cho sử dụng App Ship để đi giao hàng. P đã lạm dụng tín nhiệm của chị T để chiếm đoạt tài sản, chị T là người quản lý bưu cục được xác định là bị hại trong vụ án còn Công ty X là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; P không ký hợp đồng bằng văn bản với công ty nên không phải là người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi của P cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai: P được chị T là quản lý khu vực của Công ty tin tưởng, giao nhiệm vụ, giao tài khoản App Ship để đi giao hàng như nhân viên giao hàng có ký kết hợp đồng bình thường. P có trách nhiệm giao hàng và thu tiền COD, cước theo đúng quy trình của Công ty đã được công bố. Mặc dù tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, P không ký kết hợp đồng với Công ty, tuy nhiên tại khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự quy định: “2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng, hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “5. Do một hình thức khác” quy định tại khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó”. P là chủ thể được giao vận chuyển tài sản, có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng đã dùng thủ đoạn gian dối, cố ý chiếm đoạt tài sản của Công ty mà P có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Hành vi của P cấu thành tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Dương Quỳnh- VKSND thành phố Bắc Giang