ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 31/10/2024 -17:08 PM

Việc áp dụng tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm

 | 

Lương Thanh C bị Toà án nhân dân xét xử về các tội danh và điều khoản như sau:

- Bản án số 45/2017/HSST ngày 15/8/2017 của Tòa án huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn xử phạt Lương Thanh C 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Bị can chấp hành xong hình phạt tù ngày 06/2/2018, chấp hành xong án phí tháng 11/2017. Bị can không phải bồi thường dân sự và các khoản khác.

- Bản án số 58/2019/HSST ngày 29/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn xử phạt Lương Thanh C 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 17/5/2021, chấp hành xong án phí hình sự và án phí dân sự tháng 12/2019, chưa chấp hành xong việc bồi thường dân sự. (Bản án này tính Bản án số 45/2017 ngày 15/8/2017 là tình tiết tái phạm).

Ngày 05/8/2023, Lương Thanh C có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe mô tô trị giá 5.000.000 đồng của anh Phạm Duy H.

Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố C theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự. Tòa án nhân dân huyện A áp dụng khoản 1 Điều 173, điểm h (tái phạm) khoản 1 Điều 52 BLHS xử phạt C 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Sau khi xét xử vụ án có 2 quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết “tái phạm” quy định điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS hay “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS đối với C, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Không áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS đối với C, vì tại thời điểm C thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ngày 05/8/2023 thì C đã được xoá án tích của Bản án số 45/2017/HSST ngày 15/8/2017. Do vậy, lần phạm tội này C chỉ thuộc trường hợp tái phạm tính theo Bản án số 58/2019/HSST ngày 29/8/2019.

Quan điểm thứ hai: Áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS đối với C là đúng, vì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS thì C đã tái phạm chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Quan điểm của tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ:

Tại điểm b khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự, quy định:

“2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;”

Tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật hình sự quy định:

2. Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành”.

Theo quy định trên, tại thời điểm C thực hiện hành vi trộm cắp ngày 05/8/2023 thì C đã được xoá án tích của Bản án số 45/2017/HSST ngày 15/8/2017. Vì từ khi chấp hành xong án phạt tù của bản án mới trong thời hạn 2 năm C không phạm tội mới. Do vậy, lần phạm tội này C chỉ bị áp dụng tình tiết “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.

Tôi mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của các đồng nghiệp./.

Phùng Anh Tuấn- VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,153,581
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.204.38

    Thư viện ảnh