ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 06/10/2024 -20:19 PM

Bất cập, khó khăn trong giải quyết vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

 | 

Tai nạn giao thông đường bộ là vấn đề nhức nhối đang được xã hội, dư luận quan tâm. Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông nhưng tình trạng vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn chưa thuyên giảm, nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra. Do đó chính sách pháp luật về hình sự cũng được thay đổi theo nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực thì tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự lại có những bất cập, gây khó khăn khi xử lý, giải quyết các vụ án gây tai nạn giao thông.

Trên cơ sở kế thừa Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự năm 1999 về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã liệt kê cụ thể các tình tiết định tội và định khung hình phạt thành các điểm, khoản tương ứng. Tuy nhiên, việc quy định như vậy vẫn còn một số sơ hở, thiếu sót.

Theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 1; điểm đ, điểm e khoản 2; điểm a,điểm b khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015:

 “1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;...

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

2. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:...

đ) Làm chết 02 người;...

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3. Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên”.

Như vậy người phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” mà hậu quả làm 01 người chết và 01 người bị thương (tổn thương 60% sức khỏe) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự, còn người phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” mà hậu quả làm 02 người bị thương (01 người tổn thương 80% sức khỏe, 01 người tổn thương 50% sức khỏe) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Như vậy người thực hiện hành vi gây hậu quả lớn hơn (chết 01 người, 01 người bị tổn thương 60% sức khỏe) lại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ hơn người gây hậu quả ít hơn (01 người bị tổn thương 80% sức khỏe, 01 người tổn thương 50% sức khỏe).

Ví dụ cụ thể: Ngày 02/6/2023, A lái xe ô tô đi sai phần đường nên đâm vào xe mô tô đi ngược chiều gây tai nạn làm 01 người chết và 01 người bị tổn thương 56% sức khỏe. Hành vi nêu trên của A đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Ngày 03/6/2023, B lái xe mô tô đi sai phần đường nên đâm vào xe mô tô đi người chiều gây ra tai nạn làm 01 người bị tổn thương 80% sức khỏe, 01 người tổn thương 50% sức khỏe (tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 130%). Hành vi nêu trên của B đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Qua ví dụ trên ta thấy hành vi của A gây hậu quả nghiêm trọng hơn hành vi của B nhưng A lại chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn so với B.

Tương tự với trường hợp 02 người chết, 01 người bị thương theo điểm đ khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự và 03 người bị thương (tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 220%) theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Đây cũng là một bất cập của Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Từ những sơ hở của quy định pháp luật nêu trên có thể sẽ tạo ra động cơ xấu cho các đối tượng phạm tội sau khi gây tai nạn đối tượng phạm tội sẽ không chủ động đưa người bị nạn đi cấp cứu mà có thể bỏ mặc hoặc cố tình để người bị nạn chết nhằm được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn.

Theo quan điểm của tác giả: Liên ngành trung ương cần có hướng dẫn cụ thể áp dụng Điều 260 Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thì “Tổng tỉ lệ % tổn thương cơ thể của một người phải nhỏ hơn 100%”. Vì vậy, có nên xem xét quy định 01 người chết thì tỉ lệ tổn thương cơ thể là 100% hay không. Từ đó, làm cơ sở để xác định trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông mà có cả người bị chết và người bị thương thì cộng các tỉ lệ thương tổn cơ thể của các bị hại để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo điểm, khoản nào của Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Tiến Sỹ- VKSND thị xã Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,560,479
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.144.108

    Thư viện ảnh