ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 10/09/2024 -17:16 PM

Một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

 | 

Việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự có ý nghĩa quan trọng để xác định người phải thi hành án có điều kiện hay không có điều kiện thi hành án, nhằm đảm bảo cho việc ban hành các quyết định về thi hành án có căn cứ, đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án. Do đó, khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, Kiểm sát viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Kiểm sát về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án

- Đối với các trường hợp đang tổ chức thi hành án: Theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Luật Thi hành án dân sự (THADS), thời hạn xác minh là 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Do đó, khi nhận được quyết định thi hành án, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ về quyết định thi hành án để xác định thời hạn tự nguyện thi hành án. Trên cơ sở đó, kiểm sát biên bản xác minh điều kiện thi hành án đầu tiên để xác định Chấp hành viên có thực hiện việc xác minh trong thời hạn nêu trên không.

Lưu ý, thời hạn nêu trên là thời hạn Chấp hành viên phải thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án chứ không phải thời hạn kết thúc việc xác minh điều kiện thi hành án.

- Đối với trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Chấp hành viên phải xác minh ngay trong ngày được phân công giải quyết.

2. Kiểm sát về tài liệu xác minh điều kiện thi hành án

- Đối với Biên bản kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Đây là tài liệu quan trọng làm cơ sở để xem xét việc Chấp hành viên đã xác minh đầy đủ các tài sản của người phải thi hành án hay chưa.

- Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì phải có tài liệu xác minh tại cơ quan chức năng đăng ký giao dịch như:

+ Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì phải xác minh tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Nội dung xác minh phải thể hiện được thông tin về địa chỉ, diện tích, tình trạng pháp lý của tài sản; trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai không; trường hợp thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất thì có quyết định thu hồi chưa.

+ Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; xe mô tô; xe gắn máy, xe máy điện, xe có kết cấu tương tự…thì Chấp hành viên phải xác minh tại Phòng Cảnh sát giao thông- Công an cấp tỉnh; Công an cấp huyện; Công an cấp xã nơi đăng ký…theo quy định tại Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.

- Đối với tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án thì phải xác minh tại Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác; Kho bạc Nhà nước; Cơ quan bảo hiểm xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập cho người phải thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự.

- Đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì xác minh tại nơi cư trú; Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức như thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản./.

Chu Ngọc Linh- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,275,019
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:44.192.49.72

    Thư viện ảnh