ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 04/10/2024 -00:45 AM

Tổng hợp ý kiến phản hồi bài viết “Vướng mắc khi xác định xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích” của tác giả Ngô Đức Nghiêm

 | 

Sau khi bài viết “Vướng mắc khi xác định xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích” của tác giả Ngô Đức Nghiêm (VKSND huyện Yên Thế) đăng trên Trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 29/3/2024, Ban Biên tập trang tin nhận được ý kiến trao đổi của các tác giả Vũ Văn Thành – Phòng 8, Nguyễn Đức Tùng- Phòng 2 VKSND tỉnh Bắc Giang và Nguyễn Thị Minh Tuyết – VKSND huyện Lạng Giang. Ban Biên tập tổng hợp như sau:

>>> Vướng mắc khi xác định xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích

Tác giả Vũ Văn Thành và Nguyễn Đức Tùng có chung quan điểm, đó là A không được đương nhiên xóa án tích, với các lý do sau:

Theo tác giả Vũ Văn Thành: Thứ nhất, tại phần 7, mục I của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao đã nêu rõ một trong các điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự là người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án; không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

Thứ hai, tại khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định “Thời hiệu yêu cầu thi hành là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này”. Như vậy, Luật Thi hành án dân sự xác định khi hết thời hiệu yêu cầu thì người được thi hành án, người phải thi hành án sẽ mất quyền yêu cầu thi hành án chứ không coi là đương nhiên đã thi hành xong bản án.

Thứ ba, tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định: “Trường hợp phạm nhân là người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện nộp tiền, tài sản thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án tương ứng với khoản tiền, tài sản họ tự nguyện nộp…”.

Thứ tư, tại Công văn số 111/TTLLTPQG-HCTH ngày 30/3/2020 của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hướng dẫn đối với các trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp bị kết án và thuộc trường hợp chưa thi hành các quyết định dân sự khi đã quá thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự trong bản án hình sự có mong muốn tự nguyện thi hành các quyết định dân sự này để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, đề nghị liên hệ với cơ quan thi hành dân sự có liên quan để thi hành theo hướng dẫn tại Công văn số 648/TCTHADS-NV2 ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự về việc thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án để đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích.

Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn nêu trên, xác định A chưa chấp hành xong phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự nên không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo tác giả Nguyễn Đức Tùng: Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự, người bị kết án đương nhiên được xoá án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ đã bị kết án.

Việc chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo là một trong những điều kiện để một người được xóa án tích. Khoảng thời gian được tính để xoá án tích sẽ bắt đầu được tính, đồng thời người bị kết án phải không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, người bị kết án phải phải đáp ứng điều kiện là họ phải chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

Đối với các khoản tiền thi hành án theo yêu cầu (bồi thường thiệt hại, tiền cấp dưỡng…), do nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên nên cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án nếu nhận được yêu cầu của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của họ. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu người được bồi thường không yêu cầu thi hành án và đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì hậu quả pháp lý là người được bồi thường mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, nhưng không đồng nghĩa với việc phần bồi thường thiệt hại của bản án không được thi hành kể từ thời điểm đó. Người bị kết án phải có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của họ gây ra cho bị hại, nguyên đơn dân sự theo quyết định của bản án.

Như vậy, trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Tác giả Nguyễn Thị Minh Tuyết: Đồng tình với quan điểm thứ hai, đó là A đương nhiên được xóa án tích (đây cũng là quan điểm của tác giả Ngô Đức Nghiêm), với lập luận: Theo quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 30, điểm c khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với phần bồi thường dân sự là 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, đến ngày 10/10/2020, người bị hại đã hết thời hiệu yêu cầu A thi hành án về phần bồi thường dân sự.

Do đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự thì A đương nhiên được xóa án tích từ ngày 10/10/2020, vì từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, A không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 2 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự.

Ý kiến trao đổi của Ban Biên tập: Sau khi tập hợp các ý kiến, đối chiếu với quy định của pháp luật, Ban Biên tập có ý kiến trao đổi như sau: Việc xác định một người bị kết án đã được xóa án tích hay chưa, cần căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan. Đối với trường hợp đương nhiên xóa án tích được quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự, theo đó quy định: “1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này…”.

Cần lưu ý, đương nhiên xóa án tích không áp dụng đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (quy định tại các Chương XIII, XXVI Bộ luật Hình sự). Tình huống tác giả Ngô Đức Nghiêm đưa ra không nói rõ A bị kết án về tội gì. Nếu A không bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, XXVI Bộ luật Hình sự, thì mới thuộc trường hợp xem xét đương nhiên xóa án tích.

Về điều kiện đương nhiên được xóa án tích được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự, theo đó quy định: “2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính …, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;…

3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này”.

Tại tiểu mục 1.1 mục 1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn: “1.1. Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hành sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.

Tình huống tác giả đưa ra là: Ngày 10/9/2015, A bị Tòa án huyện T xử phạt 01 năm tù giam, buộc bồi thường cho người bị hại 3.000.000 đồng, đồng thời A phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm. Ngày 10/6/2016, A chấp hành xong hình phạt tù và đã nộp xong án phí. Tính đến ngày 21/3/2024, A chưa bồi thường cho người bị hại; người bị hại cũng không có đơn yêu cầu thi hành án dân sự.

Theo tình huống trên, giả sử Bản án ngày 10/6/2016 của Tòa án huyện T không có kháng cáo, kháng nghị thì bản án này có hiệu lực vào ngày 11/7/2016; tính đến ngày 11/7/2021 là 5 năm, quá thời gian này là hết thời hiệu yêu cầu thi hành án phần trách nhiệm dân sự của bản án (căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự nêu trên thì trường hợp của A được đương nhiên xóa án tích vào ngày phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại hết thời hiệu thi hành (tức là ngày 12/7/2021), nếu A không phạm tội mới trong khoảng thời gian 5 năm nêu trên.

Trên đây là tổng hợp các ý kiến trao đổi của các tác giả và ý kiến của Ban Biên tập để đồng nghiệp và bạn đọc tham khảo./.

Ban Biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,533,892
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.237.15.145

    Thư viện ảnh