Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, sửa đổi bổ sung năm 2021 đã quy định tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết ban đầu tin báo, tố giác tội phạm của Công an cấp xã. Để đảm bảo việc Công an cấp xã tiếp nhận, xử lý ban đầu tin báo, tố giác tội phạm được kịp thời, đúng quy định; Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến nội dung này; trong đó đã hướng dẫn việc phân công Điều tra viên ở Công an cấp xã thụ lý, điều tra, giải quyết một số vụ án ít nghiêm trọng. Từ đó đặtravấn đề đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTHS của Viện kiểm sát, cụ thể: Khiếu nại, tố cáo đối với Điều tra viên ở Công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh sơ bộ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có phải là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTHS hay không?
Quan điểm thứ nhất: Khiếu nại, tố cáo đối với Điều tra viên ở Công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh sơ bộ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không phải là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTHS. Bởi lẽ: theo quy định tại Điều 145 BLTTHS năm 2015, Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Theo quy định tại Điều 470 BLTTHS năm 2015, các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại trong tố tụng hình sự, giải quyết theo quy định của Chương XXXIII BLTTHS là những quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền, người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 35 BLTTHS năm 2015 và Điều 9 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Công an cấp xã không phải là cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nên khi có khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết không theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự mà theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo (tham khảo cuốn sách “Giải đáp vướng mắc về pháp luật và giải quyết các vụ án, vụ việc về tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy” do Văn phòng- Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSND tối cao phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản năm 2019).
Quan điểm thứ hai: Khiếu nại, tố cáo đối với Điều tra viên là Công an cấp xã trong tiếp nhận, xác minh sơ bộ, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTHS, bởi lẽ, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 34 Bộ luật TTHS thì “Điều tra viên” là “người tiến hành tố tụng”, do đó, Điều tra viên ở Công an cấp xã ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Thông tư số 45/2022/TT- BCA ngày 01/11/2022 của Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an xã, phường, thị trấn còn phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên trong phạm vi địa bàn cấp xã được bố trí theo quy định tại Điều 37 và khoản 3 Điều 146 Bộ luật TTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); Điều 53 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT ngày 29/11/2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), cụ thể Điều tra viên ở Công an cấp xã có thẩm quyền: “(1) Giúp Công an cấp xã thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; (2) Trực tiếp tiếp nhận, phân loại, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; (3) Tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và được phân công điều tra vụ án hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việcđơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện” (tham khảo mục 2.1 Hướng dẫn tạm thời số 265/HDLN-CA-VKS ngày 22/01/2024của Công an- Viện KSND tỉnh Bắc Giang). Do đó, Điều tra viên ở Công an cấp xã là người tiến hành tố tụng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên theo quy định của Bộ luật TTHS nên khiếu nại, tố cáo đối với Điều tra viên ở Công an cấp xã là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.
Quan điểm thứ ba: Căn cứ Điều 37 Bộ luật TTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); Điều 53 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì Điều tra viên tiến hành tố tụng khi được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công. Do đó khiếu nại, tố cáo đối với Điều tra viên ở Công an cấp xã là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTHS khi Điều tra viên đó được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện phân công tiến hành kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố... Đối với trường hợp Điều tra viên ở Công an cấp xã giúp Công an cấp xã thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm; trực tiếp tiếp nhận, phân loại, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm khi chưa được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện phân công thụ lý bị khiếu nại, tố cáo không phải là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTHS với lý do như quan điểm thứ nhất.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ ba, tuy nhiên quy định về Điều tra viên ở Công an cấp xã cũng như về khiếu nại, tố cáo đối với Điều tra viên ở Công an cấp xã còn chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Nguyễn Hồng Hạnh, Ngô Tuấn Hùng- Viện KSND huyện Hiệp Hoà