.

Thứ ba, 30/04/2024 -05:49 AM

Cần thống nhất nhận thức về việc xác định, phân chia, kê biên tài sản để thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015 của Chính phủ

 | 

Thông qua theo dõi công tác kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang nhận thấy, hiện nay đang có sự không thống nhất trong nhận thức giữa Cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân về các quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015 của Chính phủ.

Tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS (Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án) quy định như sau:Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Với quy định nêu trên, chúng tacần thống nhất nhận thức như sau: Khi chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thìChấp hành viên chỉ có quyền, có trách nhiệm thông báocho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuậnphân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; thông báo cho người được thi hành án về quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong thời hạn nhất định.

Trường hợp hết thời hạn theo quy định mà cả người phải thi hành án, những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất và người được thi hành án đều không yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, thì khi đó Chấp hành viên mới yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự và xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015 của Chính phủ (Kê biên tài sản để thi hành án), điểm c khoản 2 quy định: Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.

Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Với quy định nêu trên, chúng ta cần thống nhất nhận thức như sau: (1) Đối với tài sản của vợ chồng, Chấp hành viên phải thực hiện việc xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đìnhvà thông báo cho vợ, chồng biết. (2) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất và thông báo cho các thành viên trong hộ gia đình biết.Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ,nếu người phải thi hành án hoặc người đồng sở hữu (vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình) không nhất trí thì có quyền khởi kiện ra Tòa án và khi đó Tòa án có trách nhiệm phải thụ lý để giải quyết yêu cầu phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS. Trường hợp hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành việc kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Như vậy, với các nội dung đã phân tích ở trên có thể thấy, quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là không có gì mâu thuẫn, vướng mắc đáng kể. Mặt khác, Điều 74 Luật THADS quy định về vấn đề “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án” còn Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về vấn đề “Kê biên tài sản để thi hành án”, do đó cần nhận thức rõ về nội hàm của hai quy định này.

 Vấn đề đang được coi là khó khăn, vướng mắc, thực chất là do nhận thức của các cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự rõ ràng, chưa nhận thức được trường hợp nào thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên, trường hợp nào phải yêu cầu TA giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, từ thực tế khách quan cho thấy, tình trạng tồn đọng số lượng lớn việc thi hành án có liên quan đến việc phân chia tài sản chung của vợ chồng hoặc hộ gia đình (trên 400 việc) hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc quy định tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, ngày 18/7/2015 của Chính phủ chưa thật sự dễ hiểu, dẫn đến có các cách hiểu khác nhau; trong khi đó, các cơ quan cấp trên (TAND tối cao và Bộ Tư pháp) chậm hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương…,. Bên cạnh đó, về nguyên nhân chủ quan là do cơ quan THADS (Chấp hành viên) chưa chủ động, kịp thời phát hiện, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp phối hợp giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể.

Do đó, vấn đề đặt ra cần quan tâm hiện nay là khi tổ chức thi hành án, cơ quan THADS cần nhận thức đúng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và các quy định của pháp luật có liên quan (Luật THADS, Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ…). Đồng thời, quá trình tổ chức thi hành án, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với VKSND, TAND cùng cấp, kịp thời phát hiện, trao đổi, thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập (nếu có)./.

Nguyễn Thị Hồng- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,799,300
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.81.240

    Thư viện ảnh