ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -19:32 PM

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm “Giết người”

 | 

Trong những năm qua, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ án giết người có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Đáng chú ý là tình trạng giết người thân trong gia đình, giết người do mâu thuẫn xã hội, do sử dụng rượu bia, giết người do các đối tượng là học sinh, người chưa thành niên thực hiện vẫn xảy ra nhiều và được dư luận xã hội quan tâm.

Theo thống kê trong thời điểm từ năm 2021 đến năm 2023, Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 54 vụ/90 bị can về tội giết người. Viện kiểm sát đã chủ trì phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân tỉnh xác định 11 vụ án/11 bị can án điểm về tội giết người để điều tra, xử lý nhanh phục vụ công tác đấu tranh, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm. Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã xét xử 55 vụ/99 bị cáo về tội giết người. Qua so sánh thấy tội phạm này xảy ra nhiều tại địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang.

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm qua cho thấy tội phạm giết người xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất: Do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường làm phát sinh những tiêu cực trong xã hội. Ngày càng xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo, trộm cắp tài sản, tệ nạn cờ bạc, mại dâm, game, phim ảnh có hình ảnh bạo lựclàm cho nhân cách của một bộ phận thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng và có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Thứ hai: Do đạo đức xã hội của một bộ phận nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên xuống cấp; tình trạng sử dụng rượu, bia do không kiểm soát đượclàm phát sinh mâu  thuẫn dẫn đến hành vi giết người bộc phát xảy ra ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này thường xảy ra vào dịp lễ, tết, hội hè của địa phương hoặc trong các đám cưới, đám giỗ,...

Thứ ba: Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân của các cơ quan, ban ngành chưa coi trọng đúng mức, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa thực sự  đi sâu vào tng người dân. Công tác giáo dục ý thức pháp luật của các trường THPT cho học sinh vẫn còn hạn chế... dẫn đến việc nhân dân chưa hiểu hoặc chưa ý thức hết được nguyên nhân, điều kiện và hậu quả của tội phạm giết người để có biện pháp chủ động phòng ngừa hoặc có những hành vi thái quá dẫn đến tội phạm giết người xảy ra.

Thứ tư: Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợvẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả; hiện nay tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và các loại vũ khí thô sơ khác, nhất là súng tự chế, dao, kiếm, các loại do Trung Quốc sản xuất còn xuất hiện nhiều trong nhân dân đặc biệt là trong đối tượng thanh, thiếu niên. Đây là những yếu tố có thể dễ làm phát sinh tội phạm giết người xảy ra.

Thứ năm: Sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong phòng ngừa tội phạm còn hạn chế, chưa thống nhất, công tác phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm chưa được phát triển sâu rộng, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thứ sáu: Chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung; công tác phòng ngừa ngay từ cơ sở còn có hạn chế, chưa kịp thời phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ khi mới phát sinh làm cho mâu thuẫn bức xúc, kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm giết người xảy ra.Nhiều trường hợp nếu kịp thời phát hiện và làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở có thể ngăn chặn các vụ án giết người xảy ra.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới

Một là, các cơ quan, ban, ngành có biện pháp thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 05/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về thực hiện Công văn số 1676/TTg-NC ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người; Công văn số 6430/UBND-NC ngày 07/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh; Các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch công tác năm 2023 của ngành Kiểm sát Bắc Giang; các biện pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát án hình sự.

Hai là, tăng cường phối hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân:

Các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm làng, truyền thống dân tộc... định hướng người dân nhất là đối với tầng lớp thanh niên ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam, lên án những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật; tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung trong đó có tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Mở rộng hình thức tuyên truyền pháp luật như: Luật đất đai, luật dân sự, luật khiếu nại tố cáo, phòng chống bạo lực trong học đường, gia đình... Từ đó, giúp quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và phòng ngừa tội phạm.

Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải, Trung tâm trợ giúp pháp lý để phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng.

Tăng cường giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp đến học sinh, sinh viên nhất là học sinh Trung học phổ thông; tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, chấp hành nghiêm pháp luật

Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện và hòa giải cơ sở:

Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cần chú trọng tăng cường công tác hòa giải tại cơ sở, kịp thời phát hiện giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân nhất là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản... không để xảy ra các mâu thuẫn bức xúc, kéo dài dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực; củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết, văn hóa, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tích cực vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm.

Bốn là, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các lĩnh vực nhạy cảm như trò chơi điện tử, dịch vụ karaoke, cầm đồ trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến tình hình an ninh trật tự; khen thưởng cá nhân, tập thể làm tốt công tác quản lý, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật và công tác hòa giải tại cơ sở.

Năm là, đề cao vai trò, trách nhiệm của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền nêu những gương người tốt, việc tốt; hạn chế đến mức thấp nhất tuyên truyền gây ra tác hại tiêu cực nhất là bạo lực.

Sáu là, Công an các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; chỉ đạo các đơn vị thường xuyên, chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn là nguyên nhân có thể dẫn đến tội phạm giết người để có biện pháp xử lý, giáo dục, phòng ngừa.

Bảy là, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang cần tăng cường phối hợp trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng phạm tội có hành vi côn đồ, tội phạm có tổ chức, các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng trong thời gian tới./.

Nguyễn Văn Tuyển- Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,407,421
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.186.78

    Thư viện ảnh