.

Thứ bảy, 04/05/2024 -09:56 AM

Vướng mắc khi áp dụng Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015

 | 

Qua thực tế giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cho thấy pháp luật còn bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng. Trong đó, có bất cập giữa quy định của Luật Giao thông đường bộ với Điều 260 Bộ luật Hình sự.

1. Vướng mắc, bất cập trong quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS:

Điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung hình phạt: “b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định...”

Tại khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (có hiệu lực từ 01/01/2020), tức là không cho phép người sử dụng rượu, bia hoặc các thực phẩm có cồn khi tham gia giao thông với bất kỳ lý do nào. Trong khi đó, điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 lại quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia…” là chưa phù hợp với Luật giao thông đường bộ vì quy định như trên đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được 02 điều kiện: Thứ nhất là trong máu hoặc hơi thở của người gây tai nạn có nồng độ cồn; thứ hai là nồng độ cồn đó là do uống rượu, bia chứ không phải do nguyên nhân khác, điều này là khó chứng minh nếu trong trường hợp kết quả xét nghiệm của người gây tai nạn có nồng độ cồn (ở mức thấp) nhưng người này kiên quyết khai không sử dụng rượu, bia mà sử dụng thực phẩm có cồn (như uống thuốc chữa bệnh, ăn cơm rượu…) thì sẽ không có căn cứ để buộc tội theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS. Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi vi phạm và bị nghiêm cấm nên BLHS cũng cần sửa đổi thống nhất theo quy định này mới phù hợp theo Luật Giao thông đường bộ.

2. Bất cập trong định khung hình phạt tại Điều 260 BLHS

Ví dụ: A lái xe ô tô đã vi phạm quy định về giao thông đường bộ, gây tai nạn làm 01 người chết, 02 người bị thương với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 121%; như vậy với hậu quả do A gây ra thì sẽ bị xử lý theo điểm a, c khoản 1 Điều 260 BLHS (khung hình phạt 01 đến 05 năm). Trường hợp tương tự, B gây tai nạn làm 02 người bị thương với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 122% thì sẽ bị truy tố theo điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS (khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm).

Như vậy, rõ ràng hậu quả do B gây ra nhẹ hơn (02 người bị thương với tổng tỷ lệ 122%) so với hậu quả do A gây ra (01 người chết, 02 người bị thương 121%) nhưng B bị xử lý nặng hơn so với A là không phù hợp. Tương tự như vậy là trường hợp 02 người chết, 01 người bị thương sẽ bị xử lý theo điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS còn trường hợp 03 người bị thương (tổng tỷ lệ thương tích là 201% trở lên) sẽ bị xử lý theo điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS. Do đó, quy định này cũng cần được kịp thời xem xét sửa đổi cho phù hợp./.

Bùi Việt Hùng- VKSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,830,637
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.150.89

    Thư viện ảnh