.

Thứ ba, 30/04/2024 -22:17 PM

Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về hành vi Cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay

 | 

Trong những năm qua, tình hình tội phạm Cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các địa bàn trong tỉnh.Ngay từ giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp ở tỉnh Bắc Giang đã phối hợp, kiểm sát chặt chẽ hoạt động kiểm tra, xác minh của Cơ quan điều tra, qua đó đã xác minh làm rõ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhiều trường hợp Cố ý gây thương tích có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, được các cấp ủy và quần chúng nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm Cố ý gây thương tíchcủa Viện kiểm sát trong thời gian qua vẫn còn có thiếu sót như: chưa kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định thương tích của người bị hại; chưa chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện đầy đủ các quy định về dẫn giải người bị hại đi giám định….Để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về hành vi Cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đưa ra một số giải pháp để các cán bộ, Kiểm sát viên cùng nghiêu cứu, trao đổi và vận dụng như sau:

Thứ nhất: Việc đầu tiên cán bộ, Kiểm sát viên cần làm là: nắm ngay thông tin về diện đối tượng, vật chứng dùng vào việc phạm tội, vị trí các vết thương trên cơ thể người bị hại và các thông tin khác có liên quan. Từ đó phân tích, đánh giá, xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm Giết người hay dấu hiệu tội Cố ý gây thương tích nhằm xác định sớm về thẩm quyền giải quyết. Để làm tốt việc này, cán bộ, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các văn bản như Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại, công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Án lệ số 47 nêu trên (theo đó, không phải mọi trường hợp dùng hung khí nguy hiểm đâm, chém vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại đều xác định là hành vi Giết người). Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá vụ việc có dấu hiệu tội phạm Giết người hay không thì cần chủ động báo cáo xin ý kiến đồng chí Viện trưởng, tranh thủ hướng dẫn của phòng nghiệp vụ, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh…

Thứ hai:Cán bộ, Kiểm sát viên cần thực hiện các hoạt động để bổ trợ cho việc đề ra yêu cầu xác minh hoặc các hoạt động nghiệp vụ khác như: đánh giá thương tích của bị hại có nặng hay không nặng; thực hiện việc đối chiếu các vết thương của người bị hại với Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế để ước đoán nếu trưng cầu giám định thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại có thể là bao nhiêu %; dự đoán hành vi của đối tượng phạm tội Cố ý gây thương tích ở khoản nào của Điều 134 Bộ luật hình sự.

Thứ ba:Cần nhanh chóng phối hợp với Điều tra viên trong việc tiến hành tổ chức xem xét, kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết, truy tìm vũ khí, hung khí nguy hiểm hoặc các đồ vật bị gẫy, vỡ… có ý nghĩa chứng minh vũ khí, hung khí đối tượng sử dụng gây thương tích.

Thứ tư:Đối với các vụ việc gây thương tích nặng do dùng vũ khí, hung khí nguy hiểm, tỷ lệ tổn thương dự đoán từ 11% trở lên, cán bộ, Kiểm sát viên cần chú ý thực hiện sớm các việc sau: nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong việc lấy ý kiến, quan điểm không chỉ của người bị hại mà còn tuỳ từng trường hợp cần thiết lấy ý kiến, quan điểm của cả vợ, chồng hoặc bố mẹ, người thân thích khác của người bị hại trong việc yêu cầu xử lý đối tượng gây thương tích, đồng thời giải thích rõ cho họ biết về quyền lợi, trách nhiệm của người bị hại trong việc giám định tỷ lệ tổn thương sức khoẻ; vận động họ cùng gia đình phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng gây thương tích sẽ trực tiếp hoặc nhờ, thuê người đến dùng các thủ đoạn để đe doạ, ép buộc bị hại không đi giám định và rút yêu cầu khởi tố về hình sự;

Thứ năm:yêu cầu Điều tra viên nhanh chóng thu thập tài liệu để làm căn cứ  ban hành ngay Quyết định trưng cầu giám định xác định tỷ lệ tổn thương sức khoẻ của người bị hại, kể cả trong một số trường hợp người bị hại vẫn còn đang điều trị tại bệnh viện. Cán bộ, Kiểm sát viên cần tích cực, chủ động trao đổi, bám sát việc phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Cơ quan giám định về nơi giám định, trường hợp cần thiết có thể phối hợp mời Giám định viên tiến hành giám định tại nơi bị hại đang điều trị thương tích hoặc ở nơi khác có mặt hợp pháp của người bị hại nếu như những nơi đó chính là nơi tiến hành hoạt động điều tra theo đúng quy định tại Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, cần chú ý trường hợp có thể giám định trên hồ sơ khi bị hại đã bị chết hoặc bị hại bị mất tích theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế.

Thứ sáu:Phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người bị hại đi giám định, nếu đã vận động, thuyết phục mà họ từ chối thì thận trọng đánh giá trường hợp cần thiết để báo cáo tham mưu lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành ra quyết định dẫn giải người bị hại đi giám định theo đúng quy định tại Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự và Thông tư số 47/2020/TT-BCA  ngày 15/5/2020 của Bộ Công an quy định thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân. (Chú ý: không yêu cầu thực hiện việc dẫn giải người bị hại đi giám định trong các trường hợp pháp luật không cho phép như người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế theo quy định tại khoản 6 Điều 127 Bộ luật tố tụng hình sự và các trường hợp không cần thiết hoặc không nên thực hiện việc dẫn giải như bị hại là trẻ em, bị hại bị thương tích nhẹ hoặc bị thương tích nằm liệt giường, bị mất năng lực dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi…).

Thứ bảy:Yêu cầu xác minh, làm rõ diện đối tượng cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can như: các trường hợp đối tượng gây thương tích hoạt động theo băng, nhóm, đối tượng có nhân thân xấu, có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, nghiện ma tuý, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm như dao, lê, kiếm, tuýt sắt…hoặc những đối tượng có biểu hiện dùng thủ đoạn đe doạ, gây sức ép làm cho người bị hại, người thân của người bị hại có tâm lý lo sợ nếu để bị hại đi giám định tỷ lệ tổn thương sức khoẻ.

Thứ tám:Trong các vụ việc đánh nhau đông người tại nơi công cộng còn cần chú ý đến việc làm rõ các căn cứ để xử lý các đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng, đối tượng phạm tội Cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm giúp sức, đối tượng chuẩn bị hung khí nhằm mục đính đánh nhau có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự để đảm bảo việc xử lý vụ việc được toàn diện và triệt để./.

Đặng Bá Hưng- Thanh tra- Khiếu tố, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,802,631
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.227.111.192

    Thư viện ảnh